Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phụ gia nào cũng độc

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ phụ gia công nghiệp dùng trong thực phẩm, mà ngay cả phụ gia thực phẩm đã được cho phép thì nguy cơ mắc bệnh ung thư cũng rất cao nếu sử dụng vô tội vạ!
Đó là lời cảnh báo rất đáng lưu ý tại tọa đàm “Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn về sức khỏe khi mua sắm, tiêu dùng” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Sở Công thương TP.HCM, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM và Công ty Vina chống hàng giả (CHG) phối hợp tổ chức tại TP.HCM sáng qua (31.3).
Phụ gia thực phẩm dùng quá nhiều dễ gây ung thư - Ảnh: D.Đ.M
Phụ gia thực phẩm dùng quá nhiều dễ gây ung thư – Ảnh: D.Đ.M

Quá nhiều chất phụ gia trong một sản phẩm
Đại diện Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN (Vinafosa) – bác sĩ Trần Văn Ký cho biết bình quân mỗi sản phẩm thực phẩm bán ra thị trường có đến 6 – 7 phụ gia, thậm chí có sản phẩm đến 20 phụ gia. Nhưng hiện VN chưa có quy định một sản phẩm có thể bỏ được bao nhiêu loại phụ gia, và tổng hàm lượng các loại phụ gia cho phép là bao nhiêu. Nên để an toàn, nhà sản xuất thường “gia cố” thêm các loại phụ gia cùng nhóm.
Chẳng hạn, để sản xuất 1 kg chả bò, phụ gia chống thiu ôi, độ dai quy định cho phép chỉ 10 mg, nếu bỏ vào 10,1 mg là quá mức cho phép. Nhưng cùng nhóm phụ gia đó, cùng chức năng chống thiu ôi, tạo độ dai… dưới những tên khác nhau, ít nhất có từ 3 – 5 loại. Nếu nhà sản xuất bỏ hết cả 3 chất chống thiu ôi với hàm lượng 10 mg/phụ gia, tổng cộng có đến 30 mg chất chống thiu ôi/sản phẩm, nhưng không vi phạm. Hoặc với loại bột nêm, cùng thương hiệu sản xuất ở nước ngoài rất nghiêm ngặt trong quy định về tổng hàm lượng phụ gia cho phép và tỷ lệ rất thấp, nên giá thành cao. Trong khi một gói bột nêm tại VN có mười mấy phụ gia và giá rẻ bằng 1/5 ở nước ngoài. “Mua một sản phẩm, đọc thấy bao nhiêu thành phần là có bấy nhiêu phụ gia. Nên đừng nghĩ nhiều thành phần là hàng tốt”, bác sĩ Ký nhấn mạnh và cho rằng đây cũng là điểm “hỏng” trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nhiều bộ quản lý nhưng ngộ độc thì bó tay
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương, nhìn nhận kỹ năng cơ bản trong bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn quá kém. Nguy hiểm nhất về ATVSTP xuất hiện đa số tại các chợ tự phát ở các khu công nghiệp, hàng kém chất lượng, quá đát, bị ôi thiu… được bày bán với giá rẻ. Kiểm tra lần nào cũng thấy. Phổ biến tuyên truyền nhiều nhưng người mua vẫn đông. Khi gặp sự cố, lại ngại tố cáo, khiếu nại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hệ quả từ việc quản lý chồng chéo, đùn đẩy giữa các bộ ngành khiến người tiêu dùng thấy nản.
Chẳng hạn, theo đại diện Vinafosa, để sản xuất hộp sữa tươi, nguồn nguyên liệu sữa tươi do Bộ NN-PTNT quản lý, nhưng thêm chữ “tiệt trùng” phải đưa sang Bộ Công thương, nếu gia thêm một số vitamin, sẽ thuộc Bộ Y tế quản lý. Nhiều bộ quản lý nhưng nếu ngộ độc sản phẩm sữa này xảy ra, không bộ nào có hồ sơ gốc quản lý sản phẩm. Ngay cả việc truy tìm cho được hồ sơ gốc thôi đã quá khó, nói gì đến xử lý. Đó là chưa kể khi gặp vấn đề về ATVSTP, đến tìm các cơ quan chức năng phản ánh, người tiêu dùng phải viết đơn thư trình bày, thủ tục đòi hỏi lại quá nhiêu khê nên nhiều người bỏ cuộc.
“Nhiều trường hợp người tiêu dùng mở gói bánh thấy bị mốc, mang cái bánh đến nhờ Vinafosa hướng dẫn khiếu nại, nhiều cơ quan quản lý còn trách chúng tôi am hiểu chuyên môn lại vẽ thêm việc. Thật khổ không biết nói sao. Chưa nói là có nhiều trường hợp quản lý chồng chéo từ luật đến nghị định, không biết gõ cửa cơ quan nào nữa”, đại diện Vinafosa nói.

Khó gác hết các “cửa”
Tuy nhiên, có một thực tế theo nhiều đại biểu đánh giá là lực lượng quản lý ATVSTP còn mỏng, khó bao quát hết các “cửa”.
Đồng quan điểm này, ông Danh bổ sung và quan ngại rộng sang vấn nạn hàng giả, hàng nhái từ thực phẩm đến tiêu dùng, những nỗ lực của QLTT nhằm ngăn chặn vấn nạn này lắm khi cũng như “muối bỏ bể”. “Chúng tôi phát hiện bắt giữ 6 vụ lớn, có thể xử lý hình sự vì quy mô lớn, nhưng rồi điều tra một thời gian sau trả về không khởi tố. Làm giả đến hơn 4 tấn bột nêm, hàng tấn bột ngọt, mỹ phẩm, giả gas xăng dầu, nước rửa chén… toàn các vụ lớn, nhưng rồi tất cả đi vào quên lãng. Bởi ngay cả quan điểm khởi tố hay không mỗi cơ quan cũng khác nhau. Theo tôi, quy định chồng chéo trong ATVSTP là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn người tiêu dùng bị ăn độc, ăn bẩn hằng ngày không dứt được là vậy”, ông Danh trình bày.
Thức ăn đường phố có quản cũng như không
Tại tọa đàm, bác sĩ Trần Văn Ký bức xúc: “Giao cho phường quản lý mảng thức ăn đường phố, nhưng thực tế không ai kiểm tra, bởi đụng chuyện, phường lại nói ATVSTP phải thuộc y tế. Trong khi cơ quan chức năng lại ngại nói sự thật, thích nói xấu người tiêu dùng hơn khi họ khiếu nại”.

Nguyên Nga (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)