Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Dự thảo thông tư này đưa ra phương thức tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện nay. Thứ nhất là giao quyền tự chủ tuyển sinh liên thông cho các trường là phù hợp với Luật Giáo dục và điều lệ trường ĐH. Thứ hai là kế thừa nguyên tắc tuyển sinh theo thông tư 55 hiện hành. Thứ ba là không phân biệt thí sinh tốt nghiệp đủ 36 tháng hay ít hơn cho cả hai phương án tuyển sinh; đây cũng là tạo cơ hội cho thí sinh vừa tốt nghiệp có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh do các trường tổ chức.
PV: Sở dĩ có thông tư 55 là để hạn chế tình trạng thí sinh tìm đường vòng vào ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo. Giờ lại “mở cửa”, có khác gì không, thưa ông?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Tình trạng tuyển sinh liên thông ồ ạt (khi mà chỉ tiêu liên thông chính quy nằm ngoài chỉ tiêu đào tạo chính quy của các trường) thì nhiều trường đã không đảm bảo chất lượng đào tạo. Thông tư 55 ra đời có tác động điều chỉnh nhất định. Còn bây giờ, Bộ GD-ĐT đã quản lý chặt được chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực của các trường, và chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy được tính trong chỉ tiêu đào tạo chung của các trường thì việc để cho các trường quyết định quy mô đào tạo hệ liên thông và hình thức tuyển sinh cũng phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo thông tư này còn có một mục đích khác là bộ muốn “gỡ khó” cho những trường không tuyển đủ chỉ tiêu?
Không hẳn vậy, như trên tôi đã nói chỉ tiêu liên thông nằm trong chỉ tiêu chung của trường, đã tuyển sinh khó khăn thì hình thức đào tạo nào cũng khó tuyển cả, không riêng gì tuyển sinh liên thông. Nhưng khi tuyển sinh liên thông được nới lỏng thì việc tuyển sinh trung cấp và CĐ của các trường CĐ cũng có thuận lợi hơn, vì thí sinh hy vọng được tiếp tục liên thông ngay sau khi tốt nghiệp.
Năm trước, thí sinh muốn liên thông ngay phải bò ra để ôn tập kiến thức THPT, còn năm nay thì hoàn toàn dễ dàng có thể có cơ hội vào CĐ, hay ĐH. Ông nghĩ sao?
Dễ dàng hay không phụ thuộc vào thương hiệu của nhà trường. So sánh thế nào được. Nhưng có một điều Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh thông tư 55, cho phù hợp với quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường đối với hình thức liên thông chính quy. Tuy nhiên, hình thức tuyển thế nào thì bộ vẫn yêu cầu các trường phải đảm bảo chất lượng đầu vào.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)