Chấn chỉnh việc lạm thu, ngay từ đầu năm học Sở GD-ĐT TP đã yêu cầu với các khoản thu thỏa thuận, thu hộ – chi hộ nhà trường phải tổ chức lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh (PHHS). Tuy nhiên vì làm không tốt khâu lấy ý kiến PHHS, nhiều trường đã gây bức xúc cho không ít ông bố, bà mẹ…
PHHS Trường MN Hoa Quỳnh, Q.1 chờ đón trẻ. Ảnh: N.Tr |
Mỗi trường thu một… giá
Anh H. – PHHS Trường Mầm non (MN) Hoa Quỳnh (Q.1) than thở, mỗi tháng anh phải đóng cho con khoảng 1.780.000 đồng, chưa cộng các khoản bắt buộc, khoản đóng liền cho 1 năm. Điều mà anh H. không hài lòng là khoản thỏa thuận về thiết bị bán trú phải đóng đến 400.000 đồng/năm, học phẩm, học cụ – 350.000 đồng/năm. Các khoản thu này là quá cao so với nhiều trường MN khác. Và điều đáng nói là vấn đề này không được đề cập trong buổi họp PHHS vừa qua.
“Khi tôi thắc mắc mục đích sử dụng khoản thu này thì giáo viên (GV) chỉ giải đáp chung chung. Và trong năm học, thỉnh thoảng GV cũng vận động PHHS ủng hộ phí để mua thêm đồ chơi cho trẻ. Vậy nếu thu hai khoản kia khá cao thì mục đích sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh đó còn phải kể đến khoản tiền phục vụ ăn sáng lên tới 180.000 đồng/tháng là quá cao so với tiền ăn sáng là 189.000 đồng”, anh H. cho biết.
Xem thông báo các khoản thu đầu năm của Trường MN Hoa Quỳnh, chúng tôi thấy, ngoài những khoản nêu trên, mỗi tháng PH còn đóng các khoản: Ăn trưa 735.000 đồng (35.000 đồng/ngày); yaourt 105.000 đồng; tổ chức phục vụ bán trú 350.000 đồng; vệ sinh bán trú 50.000 đồng. Ngoài ra còn có tiền điện máy lạnh 30.000 đồng; phục vụ giặt áo gối, nệm 20.000 đồng; học phí năng khiếu vẽ 100.000 đồng; giấy vẽ 35.000 đồng/học kỳ; thể dục 90.000 đồng; học võ 90.000 đồng; hát 100.000 đồng; toán 200.000 đồng/tháng…
Tại Trường MN 27 (Q.Bình Thạnh), ngoài khoản bắt buộc, khoản phải đóng liền cho 1 năm thì trung bình mỗi tháng PH đóng khoảng 1.200.000 đồng (bao gồm cả tiền ăn sáng). Một PH có con học mẫu giáo tỏ ra hài lòng với mức đóng này nhưng cũng băn khoăn, hàng tháng phải đóng thêm 100.000 đồng thuê bảo mẫu (tiền thỏa thuận), trong khi đã đóng tiền phục vụ bán trú.
So sánh các khoản thu giữa Trường MN 27 và Trường MN Hoa Quỳnh cho thấy, ở một số khoản, PH đóng ít hơn. Cụ thể như tiền học phẩm là 150.000 đồng/năm; thiết bị phục vụ bán trú là 300.000 đồng/năm; phục vụ bán trú là 200.000 đồng/tháng; vệ sinh bán trú là 20.000 đồng/tháng, tiền ăn là 25.000 đồng/tháng…
Tại Trường MN Hoa Quỳnh (Q.Gò Vấp), mức đóng cũng khá mềm. Một PH có con học lớp chồi chia sẻ, trung bình mỗi tháng chị đóng khoảng 1.480.000 đồng, nhưng bé được học thêm 3 môn năng khiếu vẽ, tiếng Anh, võ thuật.
So với hai trường trên, thì tiền ăn bán trú ở trường này là 30.000 đồng/ngày, ăn sáng 12.000 đồng/ngày; học phẩm học cụ 150.000 đồng/năm; thiết bị, vật dụng học cụ 150.000 đồng/năm; vệ sinh bán trú 20.000 đồng/tháng; phục vụ bán trú 150.000 đồng/tháng…
Một PH không đồng ý thì trường phải họp lại
Cùng là trường MN công lập, tuy địa bàn có khác nhau nhưng về chuyên môn thì trường nào cũng giống trường nào đều theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP. Song, những khoản thu hộ – chi hộ và thu thỏa thuận giữa các trường có sự chênh lệch khá lớn. Điều này khiến nhiều PH không thể lý giải, thậm chí còn bức xúc…
Theo đó, chúng tôi đem bức xúc của anh H. “đặt” lên bàn làm việc của Ban Giám hiệu Trường MN Hoa Quỳnh và được bà Trần Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Đối với khoản thu học phẩm, học cụ, hiện tại nhà trường chưa thu vì chưa đạt được sự thống nhất của PH. Mặt khác trường cũng đang chờ cấp trên phê duyệt. Khoản này thực hiện theo Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu mẫu giáo như: giá phơi khăn, cốc uống nước, tủ đựng cốc, bình đựng nước, tủ đựng đồ cá nhân, chăn màn chiếu, giá để giày dép, bàn ghế cho trẻ, cho giáo viên… Còn khoản thu cho thiết bị bán trú được thu hàng năm nhằm trang bị các đồ dùng phục vụ bán trú. Riêng tiền phục vụ ăn sáng, mức thu như vậy là không cao vì trong quận, có trường thu đến 200.000 đồng/tháng”.
Theo bà Dung, tất cả vấn đề thu chi đều nêu ra trong 2 buổi họp PHHS gần đây. Có thể PH không đi họp nên không nắm được, hoặc là năm đầu tiên có con học trong trường nên không biết về khoản đóng thiết bị bán trú. Các buổi họp PHHS đều được ghi biên bản, sau khi đạt được thỏa thuận giữa PH và nhà trường, các khoản thu chi sẽ được dán trên bảng tin trường học.
Liên quan đến các khoản thu tại trường MN, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP, cho biết: “Đối với khoản thu thỏa thuận, thu hộ – chi hộ, nhà trường chỉ thực hiện khi đạt được sự đồng tình của 100% PH trong buổi họp PHHS. Sau đó nhà trường sẽ trình lên Phòng GD-ĐT, phòng tiếp tục trình tiếp lên UBND quận, huyện xét duyệt và chỉ khi có quyết định của cấp trên trường mới được thu. Chỉ cần một PH không đồng tình thì nhà trường không được thu và phải tổ chức họp lại, tiếp tục lấy ý kiến cho đến khi tất cả PH đồng ý”.
Bà Liên cho biết thêm, Phòng GDMN sẽ nhắc nhở Phòng GD-ĐT Q.1 yêu cầu Trường MN Hoa Quỳnh tổ chức họp PH lại để tiếp tục lấy ý kiến.
Về sự chênh lệch mức thu giữa các trường, theo bà Liên là do thỏa thuận nên mỗi trường có các mức thu khác nhau. Nếu PH không đồng ý thì có ý kiến ngay tại cuộc họp để nhà trường điều chỉnh…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)