Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phụ huynh cần làm gì khi con bị xâm hại?

Tạp Chí Giáo Dục

Mấy ngày nay, dư luận đang lo lắng về các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên để có thể đưa những kẻ xấu xa đó ra trước ánh sáng của pháp luật thì không phải là chuyện dễ. Điều này không chỉ là sự vào cuộc nhanh chóng và có trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà rất cần sự bình tĩnh và hiểu biết của phụ huynh. Báo Giáo dục TP.HCM đã ghi lại ý kiến của luật sư và chuyên gia tâm lý tư vấn về vấn đề này.

Luật sư Đào Thị Bích Liên. Ảnh: N.TR

Nên lưu giữ lại chứng cứ

Luật sư Đào Thị Bích Liên – đoàn luật sư TP.HCM, Chi hội phó Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng: “Thời gian gần đây, sự việc trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục xảy ra ngày càng nhiều và đối tượng xâm hại cũng diễn ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ khác nhau như người lạ, hàng xóm, thậm chí người thân. Có không ít vụ xâm hại trẻ nhỏ, phụ huynh không dám nhờ cơ quan chức năng can thiệp, không biết cách xử lý tình huống đành để sự việc lắng xuống. Hậu quả hết sức nguy hiểm, trẻ sẽ chịu tổn thương về tâm lý vì không được can thiệp, giúp đỡ kịp thời. Vì thế, trường hợp phụ huynh nghi vấn trẻ bị xâm hại cần bình tĩnh, động viên con nói ra sự thật. Đồng thời đưa con đến ngay phòng khám phụ khoa gần nhà nhất để khám, song song đó là báo đến cơ quan chức năng. Trong quá trình giải quyết sự việc, chứng cứ như quần áo, vật dụng dính máu đóng vai trò hết sức quan trọng nên phụ huynh không nên làm sạch hoặc vứt bỏ. Đề phòng trường hợp cơ quan khám bệnh không cung cấp bệnh án, phụ huynh nên ghi âm lời bác sĩ cho biết để làm chứng cứ. Đồng thời cũng cần cất giữ toa thuốc điều trị của bác sĩ làm chứng cứ vì biểu hiện của bệnh sẽ được ghi đầy đủ trong toa. Để trẻ không bị xâm hại, nên dạy trẻ phải hét to khi gặp người có hành vi xấu. Việc hét to sẽ khiến kẻ xấu hoảng sợ, không dám tiếp tục thực hiện hành vi do có tật giật mình. Cũng nhắc trẻ, nên báo cáo ngay với người lớn xung quanh, nếu ở trường thì báo ngay với thầy, cô giáo để được giúp đỡ…”.

Sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà. Ảnh: N.TR

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà – công tác tại Phòng khám Nhi đồng TP.HCM – khuyến cáo: “Đối với một đứa trẻ khoảng 6, 7 tuổi bị xâm hại tình dục, phụ huynh sẽ khó phát hiện ngay thời điểm xảy ra gần nhất. Xét về tâm lý, nếu không có dấu hiệu như chảy máu hoặc tổn thương bộ phận sinh dục thì hầu hết trẻ sẽ không nói, không kể vì trẻ nhanh quên và chưa đủ nhận thức để hiểu thế nào là bị xâm hại. Trẻ chỉ kể ra hoặc khóc nếu thân thể, bộ phận sinh dục bị tổn thương gây đau đớn. Theo đó phụ huynh chỉ phát hiện thông qua dấu vết thể hiện trên thân thể của trẻ như bầm tím, chảy máu. Hoặc phát hiện nếu trẻ mang thai. Trong trường hợp này, trẻ chưa đủ khả năng diễn đạt ngôn ngữ nên xảy ra tình huống trẻ nói nhiều ý kiến trái chiều là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng đến 1 năm sau, thậm chí đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ có dấu hiệu bị ảnh hưởng tâm lý. Đây là khoảng thời gian để trẻ nhớ, hồi tưởng lại sự việc xảy ra trước đó. Biểu hiện sẽ là rối loạn giấc ngủ, rụt rè khi đến nơi lạ lẫm, sợ hãi khi tiếp xúc người lạ, bỏ sở thích hàng ngày và có sự né tránh… Đối với trẻ lớn hơn vài tuổi, nếu bị xâm hại, trẻ có thể bị tổn thương theo 2 chiều. Thứ nhất, trẻ ham thích tìm hiểu tình dục, thích ôm ấp, sa đà vào phim đen, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, tính cách. Ngược lại, trẻ sẽ sợ hãi, trầm cảm, mất giấc ngủ, mất niềm tin, ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội, ảnh hưởng đến chuyện tình cảm, cuộc sống gia đình sau này. Nhằm giúp trẻ bảo vệ bản thân, không bị kẻ xấu xâm hại, phụ huynh cần sớm trang bị kỹ năng phòng vệ cho con. Mặc quần lót cho trẻ khi lên ba tuổi để trẻ ý thức được rằng, bộ phận sinh dục cần được bảo vệ, không được lộ liễu và cho người khác đụng chạm. Bên cạnh đó, dạy trẻ không cho người lạ đụng chạm vào 3 vùng: môi, ngực và bộ phận sinh dục. Nếu có người lạ đụng chạm thì cần hét to để những người xung quanh biết và giúp đỡ. Trong cuộc sống hàng ngày, phụ huynh cần quan tâm con cái nhiều hơn, không nên để trẻ một mình ở những nơi vắng vẻ. Về phía nhà trường, xã hội, trong giới hạn quản lý cũng phải có trách nhiệm để mắt, bảo vệ trẻ nhỏ…”.

Ngọc Trinh (ghi)

Thông tin bất thường xảy ra tại trường tiểu học: Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị nhanh chóng xử lý

Ngày 13-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản số 724 gửi UBND Q.Thủ Đức về vệc xử lý các thông tin sự việc bất thường xảy ra tại trường học trên địa bàn quận này.

Theo Sở GD-ĐT, qua báo cáo số 30/BC-GDĐT ngày 13-3-2017 của Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức về thông tin một học sinh bị xâm hại tình dục tại một trường học ở quận, Sở GD-ĐT đề nghị UBND Q.Thủ Đức một số nội dung: Chỉ đạo Công an Q.Thủ Đức, chính quyền địa phương nhanh chóng làm rõ nội dung sự việc và có văn bản kết luận chính xác trong thời gian sớm nhất. Ngay khi có kết luận của cơ quan điều tra, UBND Q.Thủ Đức cần có nội dung thông cáo báo chí nhằm thông tin kịp thời, ổn định tình hình dư luận tránh gây hoang mang trong cộng đồng.

N.Trinh

 

Bình luận (0)