Thanh tra sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã lấy ý kiến phụ huynh để “đo” mức độ hài lòng của họ đối với ban đại diện cha mẹ học sinh, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn.
Sau khi tiến hành đối với 18 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) từ học kì II năm học trước đến hết học kì I năm nay, kết quả ban đầu rất khả quan. Thông qua việc để phụ huynh chấm điểm nhà trường, Sở biết thêm phần nào về tình hình dạy và học ở các trường, phụ huynh có cơ hội thể hiện những băn khoăn, thắc mắc có thể họ không dám thổ lộ trực tiếp với vì những lí do “nhạy cảm”.
Phụ huynh làm việc trực tiếp với thanh tra
Học sinh lớp 12 A – Trung tâm Giáo thường xuyên và Dạy nghề huyện Yên Dũng trong một tiết học (Ảnh: CQ)
|
Anh Trần Văn Hải, phụ huynh em Trần Văn Linh, học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) kể lại: “Trước khi gặp Sở một ngày, tôi nhận được giấy mời của nhà trường, tưởng là họp phụ huynh bình thường. Đến trường rồi các thầy mới thộng báo hôm nay phụ huynh sẽ làm việc với Sở”.
Theo ông Lê Quang Tưởng, Chánh Thanh tra của Sở GD-ĐT Bắc Giang thì: “Phải làm bất ngờ, đột xuất vì khi lấy ý kiến phụ huynh, cái khó nhất là làm sao để người ta dám nói thật, không vì “áp lực” này nọ mà phải nói những điều họ không nghĩ”.
Để tránh việc lấy ý kiến phụ huynh chỉ là hình thức, Thanh tra Sở không giao quyền chọn lớp, chọn phụ huynh cho nhà trường.
Ông Thân Ngọc Lâm, giám đốc TTGDTX huyện Yên Dũng cho biết: “Khi Sở gửi quyết định về việc lấy ý kiến phụ huynh, việc duy nhất Sở “nhờ” chúng tôi làm là gửi giấy mời cho phụ huynh lớp 12A (lớp này Sở chọn ngẫu nhiên). Sau đó, cả quá trình Sở và hơn 30 phụ huynh làm việc, chúng tôi không được tham dự”.
Ông Ngô Văn Xuất, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang) khẳng định: “Sở lấy ý kiến phụ huynh của trường tôi từ tháng 12/2008. Đến tận bây giờ, tôi cũng chưa biết trong tờ giấy phát cho phụ huynh có những câu hỏi gì”.
Ông Tưởng cho rằng: “Sự có mặt của nhà trường sẽ khiến phụ huynh không dám nói thật. Nhà trường khi mời phụ huynh, nếu có “dặn dò” gì cũng không ăn thua vì nội dung các câu hỏi dành cho phụ huynh được giữ kín, các trường không biết”.
Đối tượng được phụ huynh “chấm điểm” bao gồm: Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ban đại diện cha mẹ học sinh. Câu trả lời sẽ ở 3 mức độ: rất hài lòng, chưa hài lòng và không hài lòng.
Về cung cách, hiệu quả quản lý của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh có thể đánh giá được thông qua những hoạt động tiếp xúc trực tiếp.
Nhưng về chất lượng giảng dạy, liệu phụ huynh có biết để đưa ra được mức độ hài lòng đến đâu là vấn đề không dễ.
Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh em Lại Diệu Linh, học sinh lớp 11A11 trường THPT Ngô Sỹ Liên nói: “Tôi phải hỏi con tôi hàng ngày, theo dõi kết quả học tập qua sổ liên lạc, kết hợp với cô chủ nhiệm thì mới đánh giá được chất lượng giảng dạy”.
Ông Tưởng cho biết: “Chúng tôi không sử dụng chuyên môn để phụ huynh đánh giá chất lượng giảng dạy, vì phụ huynh không có chuyên môn về giáo dục. Muốn trả lời được một số câu hỏi liên quan đến mức độ hài lòng về cách quản lý và chất lượng dạy học của giáo viên, phụ huynh phải thường xuyên hỏi han và nắm được tình hình học tập của con. Thông qua ý kiến của chính con mình, kết hợp với kết quả học tập, phụ huynh mới đưa ra được đánh giá”.
Thắc mắc “nóng” nhất: Các khoản thu – chi
Phụ huynh thắc mắc nhiều xung quanh chuyện thu – chi (Ảnh minh họa: VNN)
|
Sau khi tổng hợp, thống kê, kết quả là 75-85% số phụ huynh được hỏi hài lòng về cung cách quản lý và chất lượng giảng dạy của nhà trường.
Trước đây, trường THPT Ngô Sỹ Liên cũng đã tiến hành lấy ý kiến phụ huynh thông qua hội phụ huynh. Theo ông Ngô Văn Xuất, Hiệu trưởng nhà trường thì: “Vấn đề họ có nhiều ý kiến là đề nghị thầy này, cô này thay đổi phương pháp dạy”. Vấn đề “nhạy cảm” như thu – chi không ai có đề xuất gì.
Trong số 15-25% những người chưa hài lòng do Thanh tra Sở Giáo dục khảo sát, các khoản thu trong nhà trường lại là điều khiến phụ huynh thắc mắc nhiều nhất.
Anh Trần Văn Hải cho biết: “Sau khi lấy ý kiến xong, phụ huynh có quay sang bàn tán với nhau thì thấy mọi người thắc mắc nhiều về những khoản tiền tự nguyện như tiền điện, tiền nước uống, …“
“Có những trường thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để thu nhiều loại tiền không đúng quy định như: thu tiền làm lại cửa sổ, cửa kính. Cái đó phụ huynh không phải làm, nó đã nằm trong nguồn tài chính xây dựng mà nhà nước phải cấp. Hoặc nhà trường thông qua ban đại diện này để thu tiền Quỹ khuyến học, như thế là không đúng”, ông Tưởng nói.
Ông cho biết thêm: “Họ còn thẳng thắn bày tỏ: “Tôi thấy những khoản này nhà trường làm chưa đúng”. Rồi “vặn" lại: theo quy định thì như thế nào, mà nhà trường lại làm như thế này?”.
Qua việc lấy ý kiến này, Sở đã phát hiện những việc làm chưa đúng của nhà trường như “nhờ” ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản tiền “tự nguyện”: “Gọi là ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng thực chất chỉ là một nhóm người đứng về phía nhà trường. Trường đã thông qua ban, hội này để đùn đẩy trách nhiệm. Đáng nhẽ mọi khoản thu chi hiệu trưởng phải có trách nhiệm triển khai nhưng ông lại đẩy sang ban đại diện này. Mà thực chất thì ban này cũng rất chung chung, mờ nhạt”.
Ngoài những thắc mắc “nóng” liên quan đến thu – chi, phụ huynh còn bày tỏ sự không hài lòng thông qua các việc: Ban đại diện phụ huynh chưa quan tâm đến các hoạt động giáo dục đạo đức của học sinh; nhà trường còn nương nhẹ trong việc xử lý những thầy cô giáo có biểu hiện chưa đúng chuẩn mực sư phạm như đi muộn về sớm, phát ngôn với học trò không chừng mực hoặc kỉ luật học trờ chưa đúng, …
“Thông qua việc lấy ý kiến phụ huynh, chúng tôi cũng phát hiện ra những sai phạm. Với những trường làm sai, chúng tôi sẽ có cách xử lý”, ông Tưởng nói.
Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Bình luận (0)