Cùng là phí cơ sở vật chất (CSVC), nhưng phụ huynh ở một trường tiểu học tại TP.HCM phải đóng đến 3-4 loại với những cái tên khác nhau.
Một loại phí, 4 khoản thu
Phí xây dựng CSVC của Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Q. Gò Vấp TP.HCM bao gồm: Phí cơ sở vật chất (CSVC) theo quy định của Sở GD-ĐT, phí CSVC bán trú, phí CSVC cho Quỹ Hỗ trợ giáo dục, phí CSVC vận động ở mỗi lớp.
Một lớp học do phụ huynh "trang trí". Ảnh: Minh Quyên
|
Nhìn biên lai của một phụ huynh có con học lớp 3 bán trú ở trường này, có đến 9 khoản phụ huynh phải đóng đầu năm. Trong đó, có hai khoản để xây dựng CSVC với 2 cái tên khác nhau: 30.000 đồng tiền CSVC và 150.000 đồng tiền CSVC bán trú cho cả 2 học kì.
Tưởng chỉ có vậy, nhưng phụ huynh này còn phải đóng thêm 150.000 đồng cho Quỹ hỗ trợ giáo dục và 300.000 đồng để mua màn hình LCD. Theo phụ huynh này, tổng số tiền mua màn hình là 12.000.000 đồng và chia đều cho 45 học sinh.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, có lớp thu trên 30 triệu đồng/lớp để mua màn hình LCD, máy chiếu, may màn cửa mới và các vật dụng “trang trí” cho lớp như tranh ảnh, tủ, cây cảnh, quạt máy… Đối với các lớp cũ, phụ huynh còn phải sơn lại và trang trí.
Những phụ huynh này cho biết: “Với các khoản thu trên, chúng tôi thật sự khó khăn về kinh tế trong khi hiệu quả sử dụng của các thiết bị này rất thấp. Ít giờ học được thầy cô đưa vào sử dụng”.
Chỉ tính riêng Quỹ Hỗ trợ giáo dục, tổng kinh phí dự kiến đã là 294.750.000 đồng.
30.000đ ít lắm, làm gì được?
Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền cho biết: phí CSVC là thu đúng với quy định của Sở GD-ĐT, còn Quỹ Hỗ trợ giáo dục là thu cho 3 chương trình: Chức năng giáo dục học sinh; Xây dựng, tăng cường trang thiết bị, hỗ trợ những mặt còn khó khăn của nhà trường (gồm có mua ti vi, CPU, sữa chữa trang thiết bị tài sản, mua gas nấu nước cho HS); Chăm lo khen thưởng cho giáo viên và HS.
9 khoản phí mà phụ huynh phải đóng đầu năm.
Kinh phí thu được cho 3 chương trình này hiện là 180.000.000 đồng và theo bà Ngọc là đang “yên vị” ở ngân hàng. Bà Ngọc nói thêm rằng “số tiền này nhà trường mới thu chứ chưa thực hiện. Và mức vận động thấp nhất là 75.000 đồng/HK/HS. Nếu phụ huynh nào có thì đóng 150.000 đồng, không có thì thôi”.
Khi được hỏi vì sao 180.000.000 đồng vẫn "yên vị" ở ngân hàng mà trường lại tiếp tục vận động phụ huynh ở mỗi lớp đóng góp , thì bà Ngọc cho biết: số tiền quỹ sẽ được dùng cho những lớp không vận động được cha mẹ HS.
Thế nhưng, trước đó, bà Ngọc đã khẳng định: gần như 100% phụ huynh đều tự nguyện đóng.
Thế nhưng, trước đó, bà Ngọc đã khẳng định: gần như 100% phụ huynh đều tự nguyện đóng.
Ông Phương Mạnh Linh, Phó ban Hội Cha mẹ HS nhấn mạnh: tất cả các dự án vận động phụ huynh đóng góp đều phối hợp cùng với nhà trường vì phụ huynh không thể biết được nhà trường cần gì.
Còn bà Ngọc lại nói rằng, các khoản đóng góp là do phụ huynh tự thấy cần cho con em mình nên đứng ra vận động. Nhưng bà lại thừa nhận đã đứng ra kêu gọi phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, trước khi đại hội phụ huynh HS (ngày 22/9) diễn ra.
Còn bà Ngọc lại nói rằng, các khoản đóng góp là do phụ huynh tự thấy cần cho con em mình nên đứng ra vận động. Nhưng bà lại thừa nhận đã đứng ra kêu gọi phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, trước khi đại hội phụ huynh HS (ngày 22/9) diễn ra.
Đã có Quỹ Hỗ trợ giáo dục thì phí CSVC 30.000 đồng/HS/năm để làm gì? Bà Ngọc giải thích: “Phí này là chi cho những sửa chữa nhỏ như máy bơm, nhà vệ sinh, cống, bóng đèn, vòi nước… chứ phí này ít lắm, làm gì được!”.
Phụ huynh "chóng mặt" thay đồng phục cho con
Ngoài phí CSVC phải đóng, nhiều phụ huynh còn phản ánh về khoản thu đồng phục của trường. Nhìn vào sân trường, có thể dễ dàng nhận thấy HS diện các bộ quần áo đủ màu sắc: trắng, cam, xanh…
Đồng phục "muôn màu" của trường Nguyễn Thượng Hiền (Q. Gò Vấp).
Ảnh: Minh Quyên
|
Theo một phụ huynh thì HS bán trú, thứ 2, 4, 6 phải mặc màu xanh lá cây, thứ 3, 5 lại mặc màu cam. Phụ huynh này bức xúc: “Việc thay đổi đồng phục HS, đồng phục thể dục và đồng phục bán trú cùng một lúc gây khó khăn, lãng phí và tốn kém cho phụ huynh”.
Trong khi đó, nhiều bộ đồng phục cũ còn sử dụng được thì lại bỏ đi. Chưa kể, phụ huynh còn cho rằng họ phải nhớ lịch… để cho con mặc đúng quy định. Chỉ với đồng phục bán trú, mỗi phụ huynh phải mua đến 4 cái áo cho con mình, vì mua 2 áo thì không giặt kịp.
Giải thích về điều này, bà Phạm Thị Ngọc nói: “Quy định nhiều màu đồng phục là để rực rỡ sân trường. Màu áo như thế nhìn sẽ đẹp và tươi hơn. Trường quy định 2 màu cho đồng phục bán trú cũng là hà tiện cho phụ huynh đó thôi”.
Bà nói thêm rằng, đồng phục khác nhau là để phân biệt HS bán trú với HS học một buổi và không cho các em HS bán trú rời cổng trường vào giờ ra về của các HS khác.
Bà Ngọc thừa nhận trước đó bà có biết về phản ánh của phụ huynh nhưng cũng lỡ may đồng phục cho các em rồi. “Nếu phụ huynh đã không đồng ý thì năm sau trường chỉ quy định một màu thôi” – bà Ngọc cho biết.
Minh Quyên/Vietnamnet
Bình luận (0)