Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phụ huynh có nên “Thương cho roi cho vọt”?: Bài 1:Mỗi nhà mỗi kiểu

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em luôn hiếu động, khi các em có lỗi PH nên nhẹ nhàng khuyên bảo (ảnh minh họa). Ảnh: T.Tri

Sinh con ra, ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn và học giỏi nên khi con không làm được điều mình mong muốn, nhiều phụ huynh (PH) đã thẳng tay đánh con cho thỏa mãn cơn giận và để trẻ sợ không dám tái phạm. Thế nhưng, kiểu thương con “cho roi cho vọt” liệu có phù hợp trong xã hội phát triển không?
Giữ lại phương pháp giáo dục truyền thống
Hiện nay nhiều PH vẫn khẳng định rằng, giáo dục con cái mà không dùng đòn roi thì chỉ là lý thuyết suông, hoàn toàn phi thực tế. Vì thế, khi con không nghe lời, họ vẫn giữ cách dạy truyền thống là đánh đòn, nhẹ thì vài roi, nặng thì có thể thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngay.
Bên cạnh góc học tập của hai đứa con, anh Nguyễn Văn Hải (quận Gò Vấp) luôn treo chiếc roi nhỏ như một lời răn “không ngoan chắc chắn bị phạt đòn”. Anh Hải lý giải: “Hai đứa con nhà tôi mới học lớp 3 và lớp 5 nên rất hiếu động, ham chơi. Vì vậy, tôi treo sẵn trên tường cây roi mây để khi nào chúng phạm lỗi thì sử dụng. Tuy nhiên, sau khi đánh con xong lúc nào tôi cũng nói rõ nguyên nhân cho con biết vì sao lại bị ba đánh đòn chứ không bao giờ im lặng, bởi nếu làm như vậy các cháu sẽ không nhận ra khuyết điểm của mình mà sửa chữa, thậm chí còn dẫn đến trạng thái cực đoan cho rằng mình bị ba mẹ đánh là không thương…”.
Còn chị Phạm Thị Hường (quận Thủ Đức) thỉnh thoảng cũng dạy con bằng roi. Chị cho rằng đánh con không phải là biện pháp tối ưu nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn công dụng của nó. Như tôi chẳng hạn, đã trưởng thành hơn nhờ những trận đòn đáng nhớ của người ba, nó luôn là một lời cảnh báo để tôi tránh sai phạm cho lần sau.
Có thể khẳng định rằng, “thương cho roi cho vọt” không phải là một biện pháp giáo dục tích cực trong xã hội hiện nay, nhưng nếu dùng cách giáo dục này thì PH cần phải dạy dỗ trẻ trước khi đánh. Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 đưa ra lời khuyên: “Có nhiều người không bao giờ đánh con nhưng con họ vẫn là đứa trẻ ngoan, chăm chỉ học hành. Tuy nhiên, một số PH vẫn cho rằng phải dùng đến roi vọt thì trẻ mới sợ và không dám tái phạm. Đánh con là chuyện ba mẹ không bao giờ mong muốn nhưng nếu dùng đến hình thức này thì PH phải cho con biết tại sao con lại bị đánh, nói với con những lời như “Con có biết tại sao ba phải dùng roi để đánh con hay không?”, hay “Con sẽ nhận lỗi và nhận hình phạt, con có chấp nhận lỗi mình đã gây ra hay chưa?…”.
Không được đi quá giới hạn
“Thương cho roi cho vọt”, nhưng phải cho con nhận biết lỗi sai của mình và phải áp dụng đúng lúc, đúng chỗ thì trẻ mới cảm thấy hối hận và cố gắng khắc phục. Nhưng việc làm này được vận dụng thường xuyên sẽ gây nên những tác dụng ngược. Nhiều trẻ không biết vì sao mình bị đánh mà chỉ sợ các vật dụng mà PH dùng để đánh.
Do bản tính nóng nảy, lại thường xuyên uống rượu bia nên khi đi làm về đến nhà, nghe cậu con trai mới 5 tuổi chửi thề hay nghịch ngợm trước mặt mình là anh Nguyễn Đình Hiệu (quận Bình Thạnh) không kiềm chế được bản thân, liền dùng dây nịt quất vào mông cậu bé. Anh lý giải cho hành động của mình là “đánh để cho con nhớ mà không tái phạm, không ngăn chặn kịp thời sau này sẽ trở thành thói quen xấu”. Tuy nhiên, cậu bé vẫn tiếp tục mắc lỗi và dường như chỉ sợ cái dây nịt của bố thường xuyên sử dụng để đánh cậu, vì thế hễ thấy dây nịt ở đâu là cậu lại tìm cách giấu đi.
Thầy Nguyễn Ngọc Phú, giám thị Trường THCS Lê Lợi, quận 3, nêu thực tế: “Hiện có nhiều PH lạm dụng quá mức việc “thương cho roi cho vọt” nên các em lỳ đòn, không còn biết sợ khi phạm sai lầm. Vì thế, khi thấy dạy con ở nhà không được, họ đưa con lên trường nhờ giám thị tìm cách giáo dục và còn khuyến khích chúng tôi sử dụng roi vọt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng biện pháp này không giúp được gì mà chỉ làm học sinh thêm bất mãn. Cái cốt lõi là làm sao cảm hóa được các em, giúp các em có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu và tránh phạm lỗi”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Phạm Thị Huệ cho hay: “Một số PH khi được nhà trường mời lên nói chuyện về các hành vi vi phạm nội quy của nhà trường đã thẳng tay tát con mình ngay trước mặt cô giáo. Điều này không thể đưa lại hiệu quả nào vì những hành động như vậy chứng tỏ ở nhà các em đã thường xuyên bị đánh. Khi bị tát trước mặt giáo viên và bạn bè chỉ làm các em thêm bất mãn hơn”.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)