Cô đang hướng dẫn các bé chơi trò chơi Rồng rắn lên mây. Ảnh: I.T
|
Phương pháp giáo dục “Khơi gợi sự hứng thú học tập của trẻ” thông qua các trò chơi, bài đồng dao… được GS. Trần Văn Khê áp dụng thành công không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Theo GS. Trần Văn Khê, với trẻ con, chuyện gì các em cũng có thể xem là một trò chơi. Vì vậy, chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội này để giáo dục trẻ thông qua những trò chơi, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Học không biết chán
Những trò chơi là các bài hát, đồng dao có liên quan đến số đếm, loài vật, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước… sẽ kích thích trẻ ham học, học không biết chán.
Tuy nhiên, dạy trẻ các bài ca dao, đồng dao không phải như kiểu đang trả bài (tránh sau này trẻ quen cách học thuộc lòng) mà phải diễn cảm, minh họa bằng tay hoặc một vật phù hợp. Ví dụ, phụ huynh đưa hai tay ra và nói cho trẻ biết trong trường hợp này tay phải là anh, tay trái là chị, rồi đọc lời tiền nhân đã dạy: Thờ cha kính mẹ hết lòng/ Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường/ Chữ Để là nghĩa chữ nhường/ Nhường anh nhường chị lại nhường người trên/ Ghi lòng tạc dạ chớ quên/ Con em phải giữ lấy nền con em. Bài đồng dao này dạy trẻ đạo đức, lễ nghĩa, kính trên nhường dưới. Khi dạy trẻ đạo làm con, người lớn chớ quên câu ca dao: Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con hoặc Chim có tổ người có tông/ Con có cha mẹ đẻ/ Không ai ở lỗ nẻ mà lên/ Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn/ Con ai là chẳng có cha/ Cháu ai là chẳng cháu bà cháu ông. Hay như vừa đọc vừa diễn minh họa bằng tay: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy rơm đun bếp…
Ban đầu, mỗi lần dạy trẻ từ một đến hai bài, sau đó tăng lên tùy vào khả năng tiếp thu của trẻ (tránh nhồi nhét). Cứ như thế, trẻ dễ tiếp cận, ghi nhớ những bài đồng dao và âm nhạc dân tộc một cách khoa học. Hay từ trò chơi rồng rắn lên mây, phụ huynh dạy cho trẻ về số đếm, loài vật: Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không/ Thầy thuốc đi chơi/ Rồng rắn đi đâu/ Tôi đi hốt thuốc chữa bệnh cho con/ Con lên mấy?/ Con lên một/ Thuốc chẳng hay/ Con lên hai/ Thuốc chẳng hay… Ngoài ra, có thể “biến tấu” để dạy trẻ về số đếm: Con lên một/ chẳng ngoan/ con lên hai/ chẳng ngoan/ Con lên ba chẳng ngoan/ Con lên bốn chẳng ngoan/ Con lên năm chẳng ngoan…/ Xin khúc đầu có xương cùng xẩu/ Xin khúc giữa có máu cùng me… Nếu có quỹ thời gian, người lớn cần linh hoạt sáng tạo trong phương pháp truyền đạt để trẻ không bị nhàm chán. Có thể từ một bài đồng dao, ta linh hoạt chuyển chúng thành một điệu nhạc. Chẳng hạn: Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên… có thể chuyển thành điệu nhạc và cho trẻ hát: Trời mưa lâm râm, mưa lâm râm/ Cây trâm có trái, trâm có trái/ Con gái có duyên, gái có duyên…
Thưởng – phạt trong chơi mà học
Khi trẻ hư, người lớn sẽ làm thế nào? Thay vì đánh trẻ thì hãy tạo không gian cho trẻ vui chơi, nghe kể chuyện cổ tích, hát cho trẻ nghe bài hát nào đó… Kể chuyện không cần năng khiếu, không cần giọng biểu cảm mà chỉ cần biết ngưng kể đúng lúc. Ví dụ, kể đến đoạn hấp dẫn, gay cấn thì ngưng, nhất quyết không kể nữa mà phải để sang ngày mai kể tiếp. Theo đó, trẻ nào hư sẽ không kể cho nghe đoạn chuyện còn lại. Không cần roi vọt, la mắng mà chỉ cần nghiêm khắc (nhưng phải giữ lời hứa). Đánh chỉ làm cho trẻ sợ ngay lúc đó thôi. Chúng ta phải dạy cho trẻ thấy rằng, nếu chúng hư thì quyền lợi của chúng sẽ bị mất (trong trường hợp này quyền lợi của chúng là không được nghe kể chuyện, không được nhận quà, bánh…). Khi ấy, trẻ sẽ cảm thấy mình thiếu một cái gì đó. Theo GS. Trần Văn Khê, đây là “nghệ thuật” đánh động vào niềm thích thú của trẻ.
Trò chơi có thưởng – phạt rất thú vị là trò chơi Tập tầm vông. Phụ huynh bỏ kẹo vào trong tay vừa đọc Tập tầm vông tay không tay có/ Tập tầm vó tay có tay không… rồi cho trẻ đoán. Trẻ nào đoán đúng “tay có” thì viên kẹo trong tay ấy thuộc về trẻ. Đây cũng là phương pháp vừa học vừa chơi khơi gợi sự hứng thú học tập cho trẻ. Hoặc có thể cho trẻ học âm nhạc dân tộc bằng tay và miệng. Với nghệ thuật chẻ nhịp, trẻ dễ dàng tiếp cận với tiết tấu, giai điệu từ đơn giản đến phức tạp. Trước hết dạy cho trẻ hiểu đơn giản rằng chẻ nhịp cũng như chiếc đũa chẻ làm hai theo nhịp 1-2-1 hay 1-2-3-4-1. Theo đó, phụ huynh theo nhịp vỗ tay lên đùi hoặc lên bàn để trẻ làm theo. Tiếp đó, tương ứng với chẻ nhịp trên, cho trẻ đọc theo: ton-ton-tịch; ton-ton-ton-cắt-tịch; ton-cắt-tịch; ton-cắt-ton… Khi cảm thấy trẻ có thể gõ theo nhịp chính xác rồi thì đố trẻ gõ nhịp cho đúng theo nhịp đọc.
GS. Trần Văn Khê cho biết, trò chơi đánh trống miệng này ông đã áp dụng thành công cho trẻ em của nhiều nước trên thế giới.
Duyên Anh
Bình luận (0)