Theo các chuyên gia, trong câu chuyện chọn ngành học ở trường ĐH, phụ huynh cần đồng hành cùng con, giúp con tìm đúng đam mê, định hướng nghề nghiệp theo đuổi… Đặc biệt, học sinh cần tận dụng lợi thế của các phương thức xét tuyển để gia tăng khả năng trúng tuyển.
Các chuyên gia khuyên học sinh nên tận dụng lợi thế của các phương thức xét tuyển để gia tăng khả năng trúng tuyển ĐH
Ngành yêu thích thì mới học tốt, có cơ hội phát triển
Không cùng quan điểm về định hướng nghề nghiệp giữa phụ huynh và học sinh là vấn đề thường gặp trong quá trình chọn ngành học. Trao đổi về câu chuyện này, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng phụ huynh nên lắng nghe ý kiến của con để giúp con chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, đam mê. Bởi vì, khi các em yêu thích thì mới học tốt và có cơ hội phát triển, có thu nhập tốt sau khi ra trường. “Thực tế thời gian qua đã có không ít sinh viên phải dừng việc học ĐH vì sau một thời gian theo học, các em cảm thấy ngành học không đúng đam mê, cảm thấy ngộp không thể theo học tiếp được ở trường ĐH. Nhiều sinh viên lựa chọn bỏ và tìm cơ hội năm sau học một ngành khác. Vì thế, ngay từ bây giờ, nếu các em tự định hướng ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con, hỗ trợ con để con tìm ra đúng đam mê nghề nghiệp, tìm hiểu thật kỹ về các trường ĐH để chọn được ngành học, trường học phù hợp nhất”, TS. Phạm Tấn Hạ khuyên.
Mùa tuyển sinh ĐH năm nay, nhiều trường ĐH tiếp tục mở thêm các ngành học mới đón đầu nhu cầu nhân lực của xã hội. Các ngành đào tạo công nghệ cao, đào tạo liên ngành gắn với công nghệ số xuất hiện khá nhiều trong các ngành đào tạo mới của nhiều trường. Đặc biệt, các ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp bán dẫn, vi mạch cũng bắt đầu được nhiều trường ĐH tuyển sinh, nhằm giải quyết nhu cầu nhân lực phát triển của ngành giai đoạn hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng với các ngành “hot”, người học có cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, học sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành học để biết được có phù hợp với năng lực học tập của bản thân hay không. Cùng với đó, người học cần tìm hiểu kỹ về định hướng đào tạo của trường, theo hướng nền tảng hay ứng dụng và có phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai của mình hay không để có quyết định đúng đắn.
“Xu hướng đào tạo hiện nay cũng có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực. Những ngành nghề nào có sự cộng hưởng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người học. Chọn một ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội là quan trọng, nhưng cơ hội việc làm và phát triển bản thân cũng phụ thuộc nhiều vào việc học của các em ở trường ĐH. Trong đó, sự tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân là rất quan trọng để có thể thích ứng dù nền kinh tế phát triển thế nào”, TS. Phạm Tấn Hạ lưu ý.
Tận dụng lợi thế của nhiều phương thức xét tuyển
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, những học sinh trượt tốt nghiệp năm nay sẽ vẫn được thi tốt nghiệp THPT trong năm sau nhưng ở một đợt thi khác chứ không thi chung đợt với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều chuyên gia hướng nghiệp và nhà quản lý giáo dục khuyên rằng, trong bối cảnh này học sinh cần tận dụng đa dạng các phương thức xét tuyển để gia tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành học, trường học mà mình yêu thích. Không nên chỉ chú trọng vào một phương thức, có thể sẽ có những rủi ro.
“Mọi năm, có những học sinh học rất giỏi, kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt đến 30 điểm nhưng vẫn rớt nguyện vọng 1 bằng hình thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT vào trường. Do một số học sinh khác đã được tính điểm cộng vào trường, do đó số điểm cao hơn. Trong khi đó, số chỉ tiêu vào ngành lại được trường ĐH chia ra cho nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, có nhiều trường chỉ tiêu dành cho phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm một số rất ít. Vì thế, học sinh cần tận dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để gia tăng khả năng trúng tuyển, mở rộng thêm cơ hội cho bản thân”, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, TP.Thủ Đức) chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.12 cho biết, hàng năm tỷ lệ học sinh xét tuyển vào ĐH bằng điểm học bạ ở trường khá nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tỷ lệ nhỏ học sinh cho rằng trúng tuyển ĐH bằng phương thức này là “kém sang” hơn các phương thức khác, vì thế không tận dụng hết được cơ hội…
“Hiện nay các trường ĐH đều đa dạng các phương thức xét tuyển. Trong cùng một ngành học cũng sử dụng cùng lúc nhiều phương thức xét tuyển. Vì thế, học sinh cần tận dụng những cơ hội này để có thể trúng tuyển vào ngành học, trường học mà mình yêu thích. Các em không nên có tâm lý quá phụ thuộc vào một phương thức nào đó”, vị hiệu trưởng cho biết.
Cũng lưu ý học sinh cần tận dụng các phương thức xét tuyển ĐH, bao gồm cả kỳ thi riêng của các trường ĐH, TS. Lê Thị Thanh Mai (chuyên gia hướng nghiệp, nguyên Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyên, học sinh cần chọn đúng ngành mà mình yêu thích để sử dụng các phương thức hợp lý. Đặc biệt, với các phương thức xét tuyển sớm cần chú ý dù có thể đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành cùng lúc nhưng học sinh cũng chỉ có thể trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất. Vì thế, khi sắp xếp các nguyện vọng lên hệ thống chung thì cần sắp xếp hợp lý, theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, đảm bảo cơ hội có thể trúng tuyển vào đúng ngành học, trường học mà mình yêu thích.
Bài, ảnh: Long Quân
Bình luận (0)