Như mọi năm, thời điểm này các bậc phụ huynh lại tất bật mua sắm quần áo, sách vở, đóng tiền trường cho con.
Năm nay, con trai chị Nguyệt học lớp 11 trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM). Tuy chưa nhận được thông báo đóng tiền đầu năm theo thông lệ nhưng chị Nguyệt đã chi 800.000 đồng để mua sắm cho con. Chị cho biết: “Sách, vở, bút, quần áo cái gì cũng tăng giá.
Không mua không được, nhưng để mua đầy đủ chắc không kham hết”. Mỗi cuốn tập hiện giờ tăng từ 500 – 1.000 đồng so với tháng 7, các loại đồ dùng học tập khác cũng đang tăng. Tại nhà sách Sài Gòn, tập vở loại 100 trang có giá từ 3.000 – 6.000 đồng/quyển, loại 200 trang từ 7.000 đồng/quyển trở lên.
Giá các loại bút viết, thước, cặp cũng tăng từ 10%. Chị Hồng, chủ tiệm tạp hóa tại chợ Vườn Chuối, nói: “Bây giờ không lo mua thì vài hôm nữa giá tập vở, bút viết sẽ tăng”.
Đầu tháng 8, các trường phổ thông cũng thông báo giá đồng phục học sinh để phụ huynh đăng ký may đo. Một số trường không bắt buộc phụ huynh phải mua đồng phục do trường cung cấp mà có thể lấy mẫu ra ngoài may đo.
Tuy nhiên, việc này cũng phiền phức vì chất liệu vải, kiểu dáng và cả phù hiệu được in trực tiếp vào áo chứ không may được nên hầu hết phụ huynh đều chọn cách mua ở trường. Một bộ đồng phục ít nhất cũng có giá từ 70.000 – 130.000 đồng/bộ.
Năm nay, giá SGK tăng 10% cũng khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ông Vũ Bá Hòa, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục, cho biết để đảm bảo tất cả học sinh đều có SGK, năm nay NXB Giáo dục tổ chức thu mua SGK cũ để tặng cho học sinh nghèo. Phụ huynh có thể mang SGK cũ đến các nhà sách để đổi lấy SGK mới, sẽ được giảm giá từ 5% – 10%.
Một trong những khoản thu đầu năm học được thông báo tăng giá sớm nhất là phí bảo hiểm học sinh. Từ đầu tháng 7, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã có thông báo tăng mức phí bảo hiểm dành cho học sinh khoảng 30% so với năm học trước. Cụ thể ở khu vực ngoại thành đóng 100.000 đồng/học sinh/năm, nội thành đóng 120.000 đồng/học sinh/năm. Lý do tăng mức phí này, theo ông Bùi Đức Tráng – Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, là do giá dịch vụ y tế, giá thuốc tăng cao trong khi lượng học sinh tham gia mua bảo hiểm không nhiều nên năm nào ngành bảo hiểm cũng phải bù lỗ.
Phi Loan (TNO)
Bình luận (0)