Khu bếp ăn Trường Tiểu học Thái Mỹ được Ban đại diện cha mẹ học sinh đầu tư khá khang trang, tiện nghi
|
Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội, liên quan trực tiếp tới mọi người và mọi nhà. Trong đó, phụ huynh (PH) có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp cùng thầy cô giáo để giáo dục (GD) học sinh (HS). Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp cho “sự nghiệp trồng người”.
Khi “hai bên” chưa có tiếng nói chung
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) Trường TH Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình) kể: “Cách đây 5 năm, lúc đó tôi vừa được bầu làm Trưởng BĐDCMHS của trường, nhìn thấy các em HS thiếu chỗ đi vệ sinh trong giờ ra chơi. Nguyên nhân là giờ ra chơi các em đều tập trung xuống tầng trệt, trong khi ở tầng trệt chỉ có 2 nhà vệ sinh (1 dành cho nam và 1 dành cho nữ). BĐDCMHS quyết định phải đầu tư, xây thêm 2 dãy nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu HS. Sau khi khảo sát giá cả, tôi lên dự toán trên 30 triệu đồng. Trường có hơn 1.000 HS, như vậy mỗi PH sẽ đóng góp 30.000 đồng. Khi BĐDCMHS còn đang bàn bạc, thảo luận và chưa đi đến thống nhất cách thu như thế nào… thì có đại diện Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình gọi điện xuống trường hỏi: Tại sao lại thu 30.000 đồng, văn bản nào quy định? Vậy là kế hoạch này coi như bị phá sản!”. Cùng cảnh ngộ là BĐDCMHS Trường TH Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Năm học 2009-2010, Trường Thái Mỹ được khánh thành và đưa vào sử dụng với CSVC khang trang, hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu dạy và học của nhà trường một cách toàn diện. Tuy nhiên, mảng cây xanh, bóng mát trong trường còn thiếu, do đó, BĐDCMHS có kế hoạch trang trí thêm mảng cây xanh (giỏ hoa) tại lan can các phòng học của trường. Khi kế hoạch còn nằm trên giấy thì UBND xã Thái Mỹ yêu cầu BĐDCMHS phải dừng ngay kế hoạch này. Nếu vẫn tiếp tục làm, sẽ cho loa phóng thanh của xã “thông báo” tới toàn thể nhân dân trên địa bàn xã!
Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng BĐDCMHS Trường TH Nguyễn Thi (Q.11) trăn trở: “Mặc dù đâu đó, có trường này, trường kia đặt ra những khoản thu, quỹ này, quỹ kia… bất hợp lí nhưng đó chỉ là cá biệt. Tại Trường Nguyễn Thi, có PH không nằm trong BĐDCMHS nhưng cũng luôn sẵn sàng ủng hộ trường 2 hoặc 3 triệu đồng… Tuy nhiên, cũng có PH không đồng ý đóng tiền nước uống 10.000 đồng/tháng (HS bán trú) và cãi lí rằng: Tôi cho con mình uống nước tại nhà. Thử hỏi, một chai nước nhỏ của cháu mang vào liệu có đủ cho gần 10 tiếng đồng hồ sinh hoạt và học tập tại trường?”.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn chỉ đạo: “Năm học 2011-2012, hoạt động của BĐDCMHS cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động như tổ chức sinh hoạt định kỳ, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và việc triển khai thực hiện. Đặc biệt, tăng cường các công trình góp phần giải quyết khó khăn của nhà trường trong giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, các công trình nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, năng lực ứng dụng tin học trong học tập cho HS…”.
|
Bà L.T.M – PH của Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) – đã từng làm đơn gửi một số báo tố cáo nhà trường “lạm thu”. Nguyên nhân là do năm học nào nhà trường cũng thu 150 đến 200 ngàn đồng tiền quỹ hội nhưng không biết số tiền đó đã đi đâu. Khi hỏi bà có thường xuyên tham gia các buổi họp PHHS không, thì bà trả lời do bận buôn bán (tại chợ Bà Chiểu) nên rất hiếm khi đi họp. Trường hợp của bà M. không phải là hiếm, nguyên nhân là do bà M. và một số ít PH khác do bận làm ăn, mưu sinh hàng ngày dẫn đến việc không quan tâm tới chuyện học hành, họp PH của con em. Vì vậy, khi phải đóng khoản thu như trên chỉ biết thắc mắc, đấu lý… không chịu nộp mà họ không thực sự biết rằng một năm chỉ đóng số tiền trên để nhà trường và BĐDCMHS lo chuyện dã ngoại, phần thưởng đầu, giữa và cuối năm học cho HS. Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng BĐDCMHS Trường TH Nguyễn Thi, Q.11 khẳng định: “Nhiều PH cho rằng, sự hỗ trợ, đóng góp của PH đối với nhà trường là tự nguyện, tự giác và cũng là trách nhiệm. Bởi, “Chúng ta muốn con em mình được chăm sóc, GD tốt thì PH phải có sự chung sức với nhà trường, không thể ỷ lại Nhà nước và BGH nhà trường”.
Hỗ trợ nhà trường là đầu tư cho con
BĐDCMHS Trường TH Nguyễn Thi (Q.11) cùng nhà trường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước bữa ăn của học sinh
|
Trong những năm gần đây, dư luận xã hội không khỏi lo ngại trước thực trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận HS. Các em bỏ học, kết bè kết phái đánh nhau, ăn cắp tiền của gia đình, bạn bè để chơi game… Vậy làm sao để HS gắn bó với trường, lớp, xa rời các cạm bẫy bên ngoài cổng trường… “Nhà trường phải sạch đẹp, mới mẻ, luôn luôn có các hoạt động vui chơi để các em cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cô Nguyễn Thị Sinh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (Q.4) chia sẻ. Và đương nhiên, để có một học đường như vậy, không thể thiếu sự hỗ trợ của PHHS. Ông Huỳnh Việt Trung, Trưởng BĐDCMHS Trường THCS Trần Phú (Q.10) khẳng định: “Ở nơi đâu, CMHS thực sự quan tâm chăm sóc, GD con cái chu đáo, BĐDCMHS hoạt động mạnh thì nơi ấy chắc chắn sẽ có hiệu quả cao trong GD”. Quả đúng vậy, từ nhiều năm nay BĐDCMHS Trường THCS Trần Phú đã nỗ lực hỗ trợ hết mình cho các hoạt động dạy và học của nhà trường. Toàn trường có ba dãy phòng học và khu hiệu bộ thì hai khu B và C đã xuống cấp trầm trọng nhưng không vì thế mà BĐDCMHS không quan tâm, bỏ mặc nhà trường. Hằng năm trước khi bước vào năm học mới BĐDCMHS lại hỗ trợ kinh phí để nhà trường tu bổ phòng ốc, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Cùng cách làm, ông Trần Ngọc Trương, Trưởng BĐDCMHS Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) cho biết: “BĐDCMHS luôn đặt nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đó là BĐDCMHS phải là chỗ dựa cả tinh thần lẫn vật chất cho tập thể nhà trường. PH chúng tôi đã hỗ trợ cho nhà trường từ những chậu hoa, cây kiểng cho đến phòng máy vi tính, hệ thống âm thanh hiện đại… Tất cả đều nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò nhà trường được tốt hơn, mà trong đó chính con em PH chúng tôi là những người được hưởng lợi nhiều nhất”. Thầy Võ Minh Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.11) cho biết: Trường Chu Văn An là trường điểm của quận nhưng do CSVC chưa đồng bộ nên HS chỉ học một buổi/ngày, việc quản lý của nhà trường đối với HS chỉ trong khoảng thời gian 5 giờ/ngày, thời gian còn lại HS chịu sự quản lý của gia đình. Do đó nếu PH đứng ngoài cuộc, bỏ mặc con em mình cho nhà trường thì kết quả GD sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Vì trong điều kiện hiện nay, các tệ nạn ngoài xã hội rất dễ làm các em tiêm nhiễm. Nếu PH đứng ngoài cuộc, không quan tâm và không chấn chỉnh một cách kịp thời những lệch lạc của HS khi đã trở thành những thói hư, tật xấu thì rất khó sửa chữa. Từ đó các em lười học, không theo kịp bè bạn.
Bước vào Trường THCS Phan Tây Hồ, mọi người sẽ thực sự thích thú khi được thả mình dưới những bóng cây xanh mát và những mảng xanh nối tiếp nhau. Bên trái là bồn hoa chạy dọc theo bức tường được vẽ nhiều bức tranh sinh động, vui mắt nhằm cổ vũ các bạn HS sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Tiếp theo là đồi cỏ, hòn non bộ… “Tất cả những thành quả đó đều do BĐDCMHS hỗ trợ”, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bằng sự đóng góp của CMHS, một số trường đã có được môi trường học tập hiện đại. Điển hình như CMHS Trường MN Sơn Ca 10 (Q.Phú Nhuận) đã hỗ trợ lưới chống muỗi, trang bị máy lạnh, ti vi cho các lớp; CMHS Trường MN Nam Sài Gòn (Q.7) đầu tư trên 300 triệu đồng để trang bị đồ chơi ngoài trời cho nhà trường; CMHS Trường THPT Võ Thị Sáu hỗ trợ trang bị hệ thống âm thanh cho 100% các lớp học; CMHS Trung tâm GDTX Củ Chi hỗ trợ bê tông hóa đường từ cổng vào trung tâm vốn trước đây thường xuyên lầy lội khi mùa mưa; CMHS Trường THPT Nam Sài Gòn hỗ trợ gạch men ốp tường trong và ngoài lớp học, trang bị máy khử côn trùng; CMHS Trường THPT Thủ Đức trang bị hệ thống cây xanh tạo cảnh quan và bóng mát sân trường…
Ngoài ra, CMHS Trường THPT Trần Hưng Đạo phân công các thành viên thường xuyên trao đổi với những gia đình có con học chậm tiến hoặc vi phạm kỷ luật. Còn CMHS Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh thì hỗ trợ kinh phí để tổ chức cho HS yếu kém được bồi dưỡng thêm 12 tiết/tuần các môn toán, lý, hóa, Anh, văn.
|
Bình luận (0)