Đối với học sinh tiểu học, môi trường sống của các em chủ yếu là ở gia đình và nhà trường. Chính vì thế, hầu hết phụ huynh đều nghĩ rằng con mình khó thể hư hỏng hay phạm sai lầm.
Thực tế, trẻ em ngày nay rất lanh lợi, thông minh cùng với việc “cả thế giới đều trong lòng bàn tay… khi có điện thoại thông minh”. Ở cái tuổi hay tò mò, các em sẽ dễ dàng tìm hiểu mọi thứ và rồi phạm sai lầm mà phụ huynh không thể ngờ tới được.
Vừa vào năm học mới chưa lâu, từ thông tin của học sinh trong lớp, thầy chủ nhiệm lớp 5A biết được học sinh T. mang theo thuốc lá điện tử khi đến lớp. Trò chuyện với T., thầy chủ nhiệm bất ngờ hơn khi biết em mua thuốc lá điện tử từ bạn H. trong lớp với giá 400.000 đồng theo hình thức… trả góp. Đến nay, T. đã trả góp cho H. được 125.000 đồng. Vậy là “vụ án” lại được mở rộng. Nhà trường yêu cầu T. và H. viết bản tường trình. Qua tường trình, nhà trường đã nắm rõ ràng sự việc hơn. Theo đó, T. đã biết hút thuốc lá điện tử từ những năm trước. Khi nghe T. kể việc đã hút thuốc lá điện tử, H. thấy ba của mình cũng hút nên ăn cắp thuốc lá điện tử của ba đem vào bán cho T.
Sau khi giáo dục, răn đe T. và H. về tác hại của thuốc lá và việc mua bán thuốc lá ở tuổi các em là việc làm sai trái, là vi phạm nội quy nhà trường, nhà trường đã mời phụ huynh của hai em vào thông báo sự việc để cùng nhau phối hợp giáo dục các em không tái phạm. Không ngoài dự đoán của nhà trường, phụ huynh của T. và H. đều không tin và cho rằng có sự hiểu nhầm. Bà ngoại của H. nói em ở với bà, không ở cùng ba thì làm sao lấy thuốc lá điện tử của ba bán cho bạn. Sau khi bà ngoại đọc bản tường trình và gặp cháu mình, bà mới tin đó là sự thật. Theo đó, H. kể cuối tuần qua, được ba chở về nhà chơi, thấy ba hút thuốc lá điện tử xong để trên đầu tủ, em đã lấy cắp. Sau đó, em tìm hiểu giá cả thuốc lá điện tử trên mạng xã hội rồi bán trả góp cho T. với giá 400.000 đồng. Đến lúc này, bà ngoại của H. bật khóc và cho biết thêm, khi thấy H. có nhiều tiền, bà đã hỏi và H. trả lời là bạn gửi giữ giùm.
Trong khi đó, mẹ của T. vừa đến trường đã lớn tiếng đòi gặp em H. để làm rõ vì sao dụ dỗ con mình mua thuốc lá điện tử hút, bởi T. rất ngoan hiền. Đọc bản tường trình xong, mẹ của T. cũng không tin, cho rằng con mình viết bậy bạ. Bà cho biết T. học bán trú cả ngày, về đến nhà tắm rửa, ăn cơm xong là bà ngoại đưa em ra cửa hàng ở cùng với bà. Khi nào bà đóng cửa hàng thì chở T. về nhà ngủ. Gia đình quản lý chặt chẽ như thế thì làm sao T. hút thuốc lá điện tử từ lâu mà gia đình không biết. Khi gặp mẹ, T. đã trả lời từng chi tiết làm phụ huynh sửng sốt không nói được lời nào. Cụ thể, T. cho biết bản thân đã biết về thuốc lá điện tử khi xem các trang mạng trên điện thoại. Đến khi ra trung tâm thương mại ngồi xem mẹ buôn bán, T. đã thấy nhiều người hút thuốc lá điện tử nên càng tò mò hơn. Sau đó, T. thấy người bán bên cạnh hút rồi để trên quầy, lúc đi vệ sinh, người đó nhờ em ngó chừng quầy hàng giúp. Sẵn dịp, T. đã lấy hút thử và từ đó hút khi có dịp. Vừa rồi, T. khoe với H. việc mình đã biết hút thuốc lá điện tử nên khi H. bán, T. mua ngay. Em cho biết đã lên sân thượng nhà hút 5 lần thuốc mua từ H. Hút xong, em cất vào nơi an toàn nhất, đó là chiếc cặp đi học vì mẹ không bao giờ xem cặp. T. không dám hút ở trường vì sợ thầy cô phát hiện, nhưng do khoe thuốc lá điện tử với bạn nên thầy chủ nhiệm mới biết. Nghe hết mọi việc, mẹ của T. chỉ biết “kêu trời”.
Sự việc xảy ra đã được phát hiện sớm, xử lý nhanh, bởi thầy cô, nhà trường đã tuyên truyền, giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá và các chất gây nghiện. Vì vậy, khi thấy T. khoe có thuốc lá, các học sinh khác đã báo ngay cho giáo viên biết. Bản tường trình thật chi tiết sự việc của học sinh không chỉ để thấy sự việc xảy ra một cách rõ ràng và học sinh nhận ra được sai trái của mình mà còn tránh được việc học sinh “phản cung”. Nhiều trường hợp không cho học sinh viết bản tường trình, khi phụ huynh đến, các em sợ ba mẹ đánh mắng đã chối tội, không thừa nhận. Cũng có trường hợp, phụ huynh dò hỏi con ở nhà trước, rồi dạy con nói lại không đúng sự việc để tránh tội vì sợ con mình bị kỷ luật hay bị nhận xét, đánh giá không tốt. Học sinh viết bản tường trình, có ký tên, các em sẽ không thể “phản cung” được vì chữ viết, chữ ký rõ ràng không như “lời nói gió bay”.
Qua sự việc, nhà trường rất mong phụ huynh nhận ra nhiều điều về việc theo dõi, giáo dục con mình. Nhà trường luôn ra sức tuyên truyền, giáo dục học sinh không sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện. Vậy mà ba của H., lâu lâu mới gặp con một lần vẫn vô tư hút thuốc lá trước mắt con. Ba mẹ là tấm gương gần nhất để con cái soi vào, H. có thể nghiện thuốc lá dễ dàng vì nhìn vào “tấm gương” ấy. Thuốc lá điện tử mất, ba của H. vẫn không hề nghĩ rằng con mình lấy, cũng không dò hỏi thử xem con mình có lấy không, bởi ông nghĩ con mình rất ngoan. Nếu sự việc “trót lọt”, có thể H. sẽ tiếp tục việc lấy cắp bất cứ thứ gì có thể bán được vì “ăn trộm quen tay” để bán cho bạn. Bà ngoại của H. cũng dễ dàng cho qua khi cháu mình trả lời “tiền có nhiều là do bạn gửi”. Sao bà không tra đến cùng: tiền của bạn nào gửi? tại sao bạn ấy không tự giữ mà gửi?… Bà ngoại cũng có thể liên hệ giáo viên chủ nhiệm để xác nhận lại thông tin cháu mình nói một cách nhanh chóng nhưng bà không làm vì nghĩ cháu mình rất ngây thơ. Phụ huynh của cháu T. có nhận ra được rằng khi dẫn con mình ra nơi buôn bán thì cần phải làm gì? Ở cái chốn giao tiếp đủ dạng người, phụ huynh cần phải cho con biết cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào nên học, cái nào cần tránh. Sao phụ huynh cứ nghĩ rằng con ở cạnh mình là không bao giờ học điều hư? Phụ huynh nghĩ gì khi con mình nói rằng “cặp là nơi an toàn cất giấu thuốc lá điện tử vì mẹ không bao giờ xem tới”? Phụ huynh dù bận rộn đến đâu cũng cần dành thời gian xem xét con mang những gì khi đi học. Cùng con soạn sách vở theo thời khóa biểu, đó là cách làm khéo léo để kiểm tra cặp của con và xem con học tập thế nào ở trường. Phụ huynh cho con sử dụng điện thoại thông minh nhưng có khi nào phụ huynh kiểm tra xem con mình đã xem gì, truy cập gì, vào trang mạng nào?…
Học sinh tiểu học là lứa tuổi tò mò, muốn hiểu biết mọi thứ. Tuy nhiên, ranh giới đúng – sai, phải – trái, các em không thể nào phân biệt rõ ràng, chính xác được. Chính vì vậy, phụ huynh cần phải theo sát con cái với ý nghĩa là quan tâm, tìm hiểu, kiểm tra, chỉ dạy… chứ không phải là “ở cạnh bên con mọi lúc, mọi nơi” nhưng không biết con mình xem gì, làm gì, nghĩ gì… Mong rằng phụ huynh đừng bao giờ nghĩ con mình luôn luôn, mãi mãi ngây thơ, ngoan hiền!
Lê Phương Trí
Bình luận (0)