Học phí tại các trung tâm luyện thi ĐH có thể gấp 3 lần học phí một năm tại ĐH tư thục nên không ít phụ huynh ở Hàn Quốc phải vay tiền ngân hàng.
Ở Hàn Quốc, nhiều học sinh trung học không vào được ngôi trường ĐH mơ ước phải chờ đợi gần một năm để thi lại, theo tờ Korea Joongang Daily. Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH (suneung/CSAT, gọi tắt là kỳ thi vào ĐH) được tổ chức trên toàn quốc vào tháng 11 hàng năm.
Trong năm 2022, khoảng 28% trong tổng số thí sinh thi vào ĐH (cụ thể là 142.303 thí sinh) là học sinh đã tốt nghiệp THPT (tức thi lại ĐH). Đây là tỷ lệ thí sinh thi lại cao nhất trong 22 năm qua.
Các trung tâm luyện thi ĐH tư nhân mở nhiều lớp luyện thi phục vụ học sinh cuối cấp lẫn những thí sinh muốn thi lại.
Thậm chí, còn có trung tâm luyện thi nội trú cung cấp chỗ ăn ở cho học viên. Thời khóa biểu được sắp xếp linh động suốt 7 ngày trong tuần từ sáng đến tối, tùy theo nhu cầu của học viên.
Phụ huynh Hàn Quốc đóng học phí trung bình khoảng 2 triệu won (hơn 36 triệu đồng)/tháng và chi phí có thể lên tới 3,5-4 triệu won/tháng đối với trung tâm luyện thi nội trú ở thủ đô Seoul.
Trong khi đó, học phí trung bình của ĐH tư thục năm ngoái là 7,52 triệu won/năm, riêng trường y là 10,5 triệu won/năm, theo tổ chức Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Hàn Quốc.
Như vậy, nếu học sinh đăng ký học luyện thi ĐH, thông thường kéo dài từ tháng 1-10 hằng năm, thì chi phí có thể cao gấp 3 lần một năm học phí tại ĐH.
"Nó không khác gì là bản án 10 tháng tù treo và 40 triệu won tiền phạt hành chính", bà Kim, mẹ của một học sinh lớp 12, nói với tờ Korea Joongang Daily.
Còn bà Lee, phụ huynh có con muốn thi lại ĐH lần thứ 3 để vào trường y, cho biết: "Tôi sẽ phải vay ngân hàng để đăng ký cho con luyện thi".
Một thí sinh cầu nguyện trước khi bước vào kỳ thi ĐH ở Hàn Quốc. REUTERS
Theo lý giải của các đại diện trung tâm luyện thi ĐH, chi phí tiền lương tăng cao và tỷ lệ sinh thấp là nguyên nhân khiến học phí tăng cao.
Ông Lim Sung-ho, người đứng đầu trung tâm luyện thi Jongro Academy, cho hay: "Chúng tôi biết rằng gánh nặng tài chính ngày càng nặng nề đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, tiền lương cho đội ngũ giảng dạy cùng nhân viên tăng cao trong khi số lượng học sinh đăng ký ngày càng ít hơn nên học phí cao hơn".
Các chuyên gia cho rằng người Hàn Quốc còn phải mất một khoảng thời gian dài mới có thể giảm bớt "cơn cuồng luyện thi ĐH" để vào những trường danh tiếng hàng đầu.
Giáo sư Park Nam-gi thuộc ĐH Sư phạm quốc gia Gwangju nhận định: "Hiện nhiều học sinh và phụ huynh chọn luyện thi tại các trung tâm để thi ĐH lần đầu hoặc thi lại vì họ tin rằng đây là một khoản đầu tư xứng đáng về mặt thời gian lẫn tiền bạc".
Theo Thuận Hòa/TNO
Bình luận (0)