Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phụ huynh hãy soi lại mình

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, đi đâu, lúc nào, ta cũng thường thấy trẻ có những lời nói thô tục, ăn mặc hở hang, hành vi nhuốm màu bạo lực. Lỗi này do ai?

Những hoạt động ngoại khóa bổ ích như thế này sẽ giúp các em học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, biết suy nghĩ và chăm lo học tập hơn. Ảnh: N.Anh

Điều này các nhà tâm lý học, các nhà giáo dục… đã trình bày rất khoa học, khúc chiết, có điều tra, thống kê… Và những nguyên nhân họ đưa ra, ai cũng nhìn nhận là có cơ sở, là đúng đắn. Thế nhưng, tôi tâm đắc nhất yếu tố làm nên sự hư hỏng của trẻ là do sự giáo dục và làm gương của gia đình.

Tại mẹ

Chị Thu Ba là chủ một quán nhậu nên đi học về, con chị – cháu Thu Trinh đang học lớp 9 – cũng ra giúp mẹ trong việc phục vụ khách hàng. Chị Thu Ba thường ăn mặc rất gợi cảm nhằm thu hút khách hàng. Với cách ăn mặc ấy, con gái chị thấy bình thường và theo ngày tháng, mỗi ngày giúp mẹ phụ tiếp khách, Thu Trinh cũng bắt chước ăn mặc như mẹ làm cho khách vui. Và cháu sinh hư cũng từ chỗ đó.

Tại ba

Trường hợp Phi Ánh – một học sinh mới chỉ học lớp 7 – mà có cách ăn nói thô tục không thể nào chấp nhận. Ba của Phi Ánh là người nghiện rượu, mỗi lần nhậu về là quát tháo, văng tục trước mặt vợ con. Nghe được nhiều lần quen tai, và cứ thế khi đến trường, có điều gì không bằng lòng là Phi Ánh tuôn ra tràng dài những lời nói kém văn hóa trước mặt bạn bè, có khi với thầy cô nữa.

Tại cả ba mẹ

Đau lòng hơn, trẻ con mới nhúm tuổi đầu mà đã thích giải quyết mâu thuẫn với bạn bè bằng nắm đấm, có khi cả hung khí nữa. Hành động đó gọi là bạo lực học đường. Mầm mống bạo lực này có nhiều nguyên do, trong đó thường khởi nguồn từ gia đình. Quốc Bình, một cậu bé lớn lên trong gia đình mà ba tính tình cộc cằn thô lỗ, mẹ thì lắm lời chua ngoa. Những lời chua ngoa không thể lọt vào tai của một người tính tình cộc cằn như ba của Bình và thế là nắm đấm được ông sử dụng. Ban đầu tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng chì chiết còn được hàng xóm quan tâm, nhưng hình ảnh ấy cứ tái diễn liên tục khiến hàng xóm cũng nản lòng, chỉ có Quốc Bình là gồng mình chịu đựng. Đánh xong lại làm hòa, hòa được ba bốn ngày sau thì… tiếp tục. Việc ấy đã tác động không nhỏ đến tính cách của Quốc Bình và từ đó, khi có mâu thuẫn với bạn bè, cháu lại dùng phương pháp của ba.

Làm gì đây?

Muốn hạn chế trẻ hư thì ba mẹ, ông bà phải lấy cuộc sống hòa thuận, tôn trọng nhau, quan tâm đến nhau làm tấm gương để giáo dục con cái. Cách giáo dục này rất nhẹ nhàng mà có hiệu quả. Vì vậy, trước khi trách con trẻ, người lớn phải xem lại cách hành xử của mình trong gia đình. Nói thì dễ nhưng làm được hay không là do quyết tâm và lòng thương yêu, quan tâm của ba mẹ đến tương lai con trẻ sau này và cũng cần nhận thức lại rằng mọi lỗi lầm đâu chỉ tại con trẻ.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Bình luận (0)