Cha mẹ cần quan tâm đúng mức khi con có dấu hiệu dậy thì sớm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.H |
Trước đây, tuổi dậy thì (TDT) của trẻ em gái là 13-15 tuổi, trẻ em trai từ 14-16 tuổi nhưng những năm gần đây, TDT đã sớm hơn. Hình ảnh những cô bé lớp 2 (7 tuổi), lớp 3 (8 tuổi) có kinh nguyệt đã không còn xa lạ đối với các giáo viên tiểu học cũng như các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, dậy thì sớm có thể là dấu hiệu của một vấn đề về sức khỏe.
Dậy thì sớm có thể gây khó khăn về mặt thể chất, cảm xúc đối với trẻ và cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Ở trẻ em gái, dậy thì sớm trước 7-8 tuổi được thể hiện bởi bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây: phát triển tuyến vú; mọc lông ở nách và xương mu; tăng nhanh chiều cao; bắt đầu có kinh nguyệt; nổi mụn. Ởtrẻ em trai, dấu hiệu dậy thì sớm trước 9 tuổi bao gồm: phát triển dịch hoàn hoặc dương vật; mọc ria mép, lông ở vùng nách và xương mu; tăng nhanh chiều cao; vỡ giọng; nổi mụn.
Dậy thì sớm có ảnh hưởng gì đối với trẻ?
Ở phần lớn trẻ dậy thì sớm, tâm sinh lý chưa phát triển kịp với sự lớn lên về thể chất. Nhiều bé gái đã hốt hoảng, sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, dẫn đến buồn rầu và bỏ học khi cơ thể có sự thay đổi. Có trường hợp trẻ bị rơi vào tình trạng trầm cảm vì không biết chia sẻ cùng ai, thường thu mình lại, ít giao tiếp với mọi người hơn. Trong khi đó, các bé trai lại có khuynh hướng hung hăng, dễ nổi cáu và hay gây gổ với những người xung quanh. Ngoài ra, các bé thường hay mất ngủ, đứng ngồi không yên và có nhiều hành vi bất thường, một số trẻ còn bị rối loạn suy nghĩ và có cái nhìn lệch lạc về tình dục…
Đây là giai đoạn trẻ tò mò, thích khám phá cơ thể. Do không hiểu biết hoặc hiểu biết lệch lạc về giới tính, xem nhiều văn hóa phẩm dành cho người lớn, nhiều trẻ bắt chước làm theo, quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ. Từ đó có thể đưa đến việc sinh con ở tuổi vị thành niên và gia tăng tỉ lệ nạo phá thai.
Các trẻ dậy thì sớm thường phát triển chiều cao rất nhanh khi tuổi còn nhỏ vì hoóc-môn gây dậy thì sớm đã kích hoạt sự phát triển khung xương. Tuy nhiên, các đầu xương sau đó nhanh chóng đóng lại khiến khung xương không phát triển thêm và trẻ dậy thì sớm có khuynh hướng thấp hơn bạn cùng lứa. Nghiêm trọng hơn, những trẻ này còn có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm cao hơn trẻ bình thường như ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng ở bé gái và chứng vô sinh ở bé trai.
Phụ huynh nên làm gì?
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong các dấu hiệu được mô tả ở phần trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp một bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi. Tại đây, trẻ sẽ được thăm khám và điều trị sau khi thực hiện một số xét nghiệm về nồng độ hoóc-môn trong máu và nước tiểu, chụp CT, MRI để phát hiện ung bướu ở một số bộ phận trong cơ thể như não, buồng trứng, tinh hoàn. Trẻ cũng cần được tư vấn tâm lý khi có dấu hiệu học tập sa sút, trầm cảm.
Để trẻ phát triển tự nhiên và an toàn, các bậc phụ huynh cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sống cho trẻ và có những chọn lựa đúng đắn về đồ dùng, về thực phẩm cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm ngăn ngừa phần nào nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần trang bị cho trẻ các kiến thức về giới tính và các kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là các kỹ năng về sức khỏe sinh sản để có thể phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và tránh sự xâm hại đáng tiếc đối với các bé gái.
BS. Phạm Ngọc Thanh
(Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM)
Bình luận (0)