Chỉ còn một tháng nữa, học sinh các cấp sẽ bước vào kỳ nghỉ hè. Con ở nhà cả tháng nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, rất nhiều phụ huynh đang đau đầu tìm chỗ “gửi gắm” con.
Con học hè, mẹ "quay cuồng"
Mấy ngày nay, chị Hà (phố Vương Thừa Vũ, Hà Nội) cứ rảnh là lại lên Internet tìm các lớp học mùa hè cho cậu con trai năm nay lên lớp 4.
“Có rất nhiều trung tâm mở lớp nhựng tôi tham vọng tìm được chỗ nào tổ chức trọn gói các hoạt động từ sáng tới chiều, như đi bán trú trong năm học,” chị Hà chia sẻ.
Đây là kinh nghiệm được chị rút ra từ mùa hè năm trước, khi hai vợ chồng phải quay cuồng với lịch học hè của con. “Năm ngoái, con nghỉ hè hai tháng, tôi lên lịch cho con học bơi, học chơi cờ vua, học tiếng Anh, nhưng mỗi lớp ở một nơi, giờ học cũng không trùng với giờ hành chính nên rất mệt cho việc đưa đón,” chị Hà phân trần.
Không phải HS nào ở thành phố cũng được vui chơi như thế này trong ngày hè.
"Quay cuồng" theo con cũng là nỗi ám ảnh của chị Hạnh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội). Vừa để con không bị "nhốt” ở nhà trong dịp hè, vừa muốn trau dồi thêm các kỹ năng mềm cho con nên mùa hè năm trước, chị đăng ký rất nhiều lớp cho cậu con trai học lớp 6. Trời mùa hè nóng bức nhưng chị cứ phải lao ra ngoài đường, đưa con từ trung tâm này đến trung tâm khác. Hết mùa hè cũng là lúc mẹ mệt phờ, đen đúa và bị cơ quan nhắc nhở vì giờ giấc lung tung.
“Sáng nay con trai lại nhắc mẹ sắp nghỉ hè, xin đi học như năm ngoái. Con thích học cũng vui nhưng mẹ oải không theo được. Năm nay chắc phải tìm giải pháp khác,” chị Hạnh chia sẻ.
Có một con đã đau đầu, chị Hợi (Hà Đông) còn có tới 3 con đều đang còn nhỏ. Con gái lớn năm nay vào lớp 3, hai cậu con trai sinh đôi năm nay chuẩn bị vào lớp 1. “Các năm trước, hai con trai còn học mầm non, trường tổ chức dạy cả mùa hè, hai vợ chồng chỉ phải thay nhau đón con gái ở các lớp năng khiếu. Năm nay những 3 đứa ở nhà nghỉ hè, tôi đang chẳng biết phải tính thế nào. Con còn nhỏ quá, để con ở nhà thì không yên tâm, nhỡ đâu nghịch dại,” chị Hợi lo lắng nói.
Đủ chiêu ứng phó
So với chị Hợi, chị Thảo (khu đô thị Văn Quán) có vẻ may mắn hơn vì có ông bà nội ngoại đôi bên đều còn khỏe. Bà ngoại ở Nghệ An, bà nội ở Nam Định, mỗi kỳ nghỉ hè, vợ chồng chị lại cho con về quê chơi với ông bà.
“Mỗi quê, con ở chơi vài tuần, thế là hết kỳ nghỉ hè. Vừa giúp thắt chặt tình cảm với ông bà, con vừa được trải nghiệm môi trường sống mới, có thêm bạn bè,” chị Thảo cho biết.
Đây cũng là lựa chọn của chị Lê (Q. Hoàng Mai, Hà Nội). “Kế hoạch của tôi là cho con về Thái Bình ở nguyên cả mùa hè với ông bà nội. Bố mẹ nhớ thì cuối tuần tranh thủ về. Ở quê, không khí trong lành, con sẽ có kỳ nghỉ hè ý nghĩa,” chị Lê vui vẻ cho biết.
Theo chị Lê, điều lo lắng nhất khi gửi con về cho ông bà là sợ ông bà chiều cháu, sinh hư. “Vì thế, tôi phải lựa lời nói với ông bà phải nghiêm khắc nếu con làm điều sai,” chị Lê nói.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng may mắn có ông bà khỏe mạnh để gửi gắm con.
Chị Khương (Thanh Xuân) cho biết, ông bà già yếu không giúp được nhưng chị có lợi thế là hai con cách nhau tới 8 tuổi nên mỗi kỳ nghỉ hè, cậu con trai lớn phải đảm nhận phần việc trông em. Theo chị Khương, để con lớn trông con bé cũng là tình trạng chung của các gia đình lân cận khu chị ở.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh cho con tham gia các khóa tu mùa hè được các chùa tổ chức, các khóa học quân sự, các trại hè… So với việc tham gia các lớp học năng khiếu, các khóa học này có lợi thế là phụ huynh không mất công đưa đón do con phải tham gia toàn thời gian, nhưng lại hạn chế ở chỗ chỉ diễn ra liên tục trong khoảng một tuần và chỉ dành cho học sinh từ lớp 4, 5 trở lên.
Có thể thấy, sắp xếp được một mùa hè bổ ích, có ý nghĩa cho con mà không ảnh hưởng tới công việc của bố mẹ là cả một bài toán khó mà mỗi gia đình phải cân nhắc kỹ lưỡng, tùy vào hoàn cảnh riêng của mình.
Theo Vietnam+
Bình luận (0)