Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phụ huynh lúng túng với sách tham khảo tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài 2 cuốn giáo trình bắt buộc, chị Hoa, phụ huynh học sinh lớp 2 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiên quận 1, TP HCM, còn được trường thông báo mua thêm 5 cuốn sách tiếng Anh tham khảo.

Chị Hoa cho biết, con chị đang theo chương trình tiếng Anh tăng cường tại trường bằng giáo trình Familys and friends (Gia đình và bạn bè) theo chuẩn quốc tế. Tuần qua, chị nhận được thông báo của nhà trường về việc mua thêm 5 cuốn sách tham khảo bằng tiếng Anh.
Thông báo của trường ghi: "Đây là những tài liệu nhằm tiếp tục thực hiện chương trình học tiếng Anh qua các môn Toán và Khoa học đối với học sinh lớp 2 trong chương trình tiếng Anh tăng cường do Sở GD&ĐT biên soạn. Để học tốt chương trình, mỗi học sinh cần có một bộ".
Bộ tài liệu gồm cả sách bài tập, sách học, sách truyện với tiêu đề: Success with Science (sách học và sách bài tập, 2 cuốn), Pupil book math 1, Success with Mathematics (sách bài tập) và I love you, mother (sách truyện).
Phụ huynh này cho biết, nếu tính thêm cuốn "Vui học cùng starters – Cambridge" tổng cộng bộ sách tiếng Anh của con chị sẽ lên đến 8 cuốn.
Bộ sách tài liệu tiếng Anh dành cho học sinh theo chương trình tiếng Anh tăng cường.
"Chỉ có mỗi môn tiếng Anh mà tới 8 cuốn sách thì không biết cháu học thế nào, vì còn rất nhiều môn học khác. Tôi không định mua, nhưng vì nhà trường đưa vào chương trình giảng dạy nên nếu không có sách, cháu không học theo các bạn trong lớp được. Tôi biết con học theo chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ nặng hơn lớp thông thường, nhưng không nghĩ phải học nhiều sách đến thế", chị Hoa phân trần.
Chị Hoa thắc mắc, liệu các cháu có thể theo hết chương trình học trong quá nhiều loại sách, thay vì tập trung kiến thức trong một hay hai cuốn. Một số phụ huynh cũng có tâm lý lo ngại vì số lượng tài liệu học tiếng Anh của con em quá nhiều. Đặc biệt có những cuốn dày hơn 100 trang.
Thực tế tại TP HCM, bộ sách này áp dụng cho hầu hết trường có dạy chương trình tiếng Anh tăng cường. Trung bình mỗi tuần, học sinh lớp 2 có 8 tiết tiếng Anh, trong đó 5 tiết dạy theo giáo trình bắt buộc và 3 tiết dạy theo tài liệu tham khảo môn Toán, Khoa học và kể truyện.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Lê Thị Ngọc Điệp cho rằng về số lượng thì tương đối nhiều, nhưng trong đó bao gồm cả sách bài tập cho các em làm trực tiếp vào mà không phải ghi chép lại. Và phần lớn kiến thức trong sách tài liệu đều nhằm ôn tập lại phần bài học trong giáo trình cho các em và chủ yếu là hình ảnh.
Bà Điệp lưu ý trước khi phụ huynh đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh tăng cường, nhà trường đã "cảnh báo" cho họ biết nếu theo học thì phải chấp nhận chương trình học nặng và tốn kém hơn so với lớp thông thường. "Nếu phụ huynh cảm thấy con không theo kịp chương trình tăng cường thì có thể xin cho con học sang lớp tiếng Anh thông thường của Bộ", bà Điệp nói.
Theo Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP HCM, việc Sở đưa nhiều loại tài liệu vào chương trình tiếng Anh tăng cường là nhằm tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc nhiều hơn với ngôn ngữ này, rèn luyện khả năng đọc và hiểu tiếng Anh ngay từ nhỏ. Các tài liệu này đã được chọn lọc kỹ với nhiều hình ảnh để tạo sự thích thú cho các em.
"Từ trước tới giờ phụ huynh quen với việc chỉ cho con học sách giáo khoa, nên khi thấy có nhiều loại sách thì lo lắng. Nếu cả tuần các em đều học sách giáo khoa không thì sẽ rất nhàm. Việc đưa vào nhiều loại sách xen kẽ sẽ giúp các em hứng thú hơn. Đó cũng là cách rèn luyện cho các em kỹ năng toàn diện khi học ngoại ngữ", vị trưởng phòng nói.

Theo Hải Duyên
(vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)