Phụ huynh tham gia Hội chợ xuân để chăm lo cho học sinh nghèo
|
Cùng với học sinh (HS) cả nước, khoảng 1,4 triệu HS từ mầm non đến THPT trên địa bàn TP.HCM đã bước vào năm học mới 2013-2014. Bên cạnh các em là hàng triệu phụ huynh (PH). Đa số PH đều cùng nhà trường chăm lo cho HS nhưng cũng có không ít PH chỉ biết đòi hỏi nhà trường phải lo mọi thứ cho con mình.
Ngày 31-8, trong chương trình đối thoại cùng chính quyền với chủ đề “Năm học 2013-2014 và những áp lực của ngành giáo dục TP” do Đài TNND TP.HCM thực hiện, một vị PH giới thiệu là trưởng ban đại diện cha mẹ HS tại một trường tiểu học ở Q.9 yêu cầu ngành GD-ĐT TP cho con họ một cái mũ bảo hiểm mới, vì cái mũ được cho trước đó đã hư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Chương trình tặng mũ bảo hiểm cho HS tiểu học là của Quỹ phòng chống thương vong châu Á, không phải của Sở GD-ĐT TP.HCM”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ những trường có tỷ lệ HS đội mũ bảo hiểm thấp hay trường nghèo, PH không có điều kiện mua mũ bảo hiểm cho con mới được chọn tặng mũ. Điều đó cũng có nghĩa, không phải HS ở trường nào cũng được tặng mũ bảo hiểm.
Cô Ngô Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Sáng (Q.Tân Bình) – cũng cho biết: “Thông thường tiền ăn và các khoản thu khác đóng theo tháng, nhưng có nhiều PH nói hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin đóng 2-3 lần/tháng. Nhà trường đồng ý. Nhưng năm học nào cũng vậy, nhà trường đều bị thất thu 2-3 tháng cuối năm học đối với những em học lớp Lá…”.
Cũng trong chương trình đối thoại với chính quyền, nhiều PH đã không ngần ngại nói lên suy nghĩ của bản thân là mong muốn con được học ở những ngôi trường có chỗ ăn, chỗ ngủ và chỗ học đàng hoàng. Mỗi lớp chỉ nên có 30 HS để giáo viên quan tâm được đến tất cả các em. Mong muốn của PH cũng đã được Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) đáp ứng. Anh Hiệp – PHHS của trường – cho biết lớp con anh chỉ có 32 HS, trong lớp có gắn máy lạnh. “Nhưng tháng nào cũng phải đóng tiền bảo trì máy lạnh”, anh Hiệp tỏ ra bức xúc. Trả lời thắc mắc này, cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Tiền mà PH đóng góp không chỉ là phí bảo trì mà cả tiền điện chạy máy lạnh vì nhà trường không thể bao cấp hết được nên PH hỗ trợ thêm…”.
Có không ít PH chỉ thích đòi hỏi nhà trường phải thế này, thế nọ nhưng khi cần phải “chia lửa” với nhà trường thì “giãy nảy” lên. Trên thực tế, cứ đầu năm học, một số trường bị-nêu-tên một cách oan ức chỉ vì… “lạm thu” vài ba ngàn đồng.
Một đồng nghiệp của chúng tôi kể lại: “Một PH gọi điện tố cáo nhà trường lạm thu. Hỏi lạm thu như thế nào thì vị PH này trả lời nhà trường thu 3 ngàn đồng/tháng để mua nước uống cho HS. Tôi hỏi: “Anh đã gặp Ban giám hiệu nhà trường hỏi cho rõ chưa?”, vị này trả lời: “Chưa”. Tôi lại hỏi: “Mỗi ngày anh uống cà phê hết bao nhiêu tiền mà chỉ đóng cho con có 3 ngàn đồng/tháng để nó có nước uống cũng đòi kiện nhà trường là sao…””.
Những trường hợp như vị PH trên không phải là hiếm gặp. Họ sẵn sàng bỏ ra 30-40 ngàn đồng cho một ly cà phê hay 40-50 ngàn đồng cho một tô phở thì không thấy tiếc. Nhưng mỗi tháng đóng thêm vài chục ngàn đồng tiền phục vụ bán trú, vài ngàn đồng tiền vệ sinh, tiền nước để con được chăm sóc tốt hơn thì bức xúc, đòi kiện nhà trường. Mặc dù những khoản thu này đã được UBND quận/huyện phê duyệt, không phải nhà trường tự ý đặt ra.
Bài, ảnh: Kim Anh
Trong hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và thu khác của cơ sở GD-ĐT công lập năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính TP đã chỉ rõ: Các trường công lập tính toán các khoản thu đảm bảo thu đủ bù chi và sử dụng đúng mục đích thu, thực hiện công khai kế hoạch thu – chi của từng khoản thu hộ – chi hộ đến PHHS trước khi thực hiện thu. Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS, nhà trường phải thỏa thuận với PH về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi. |
Bình luận (0)