Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phụ huynh ngại kế hoạch giáo viên Việt thay nước ngoài dạy tích hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thông tin TP.HCM sẽ đào tạo 400 giáo viên thay thế người nước ngoài giảng dạy chương trình tích hợp, nhiều ý kiến lo ngại chất lượng giáo viên không đảm bảo.

Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy một lớp tiếng Anh theo chương trình tích hợp /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy một lớp tiếng Anh theo chương trình tích hợp. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
TP.HCM đã chính thức thực hiện kế hoạch đào tạo giáo viên (GV) để đảm trách việc dạy chương trình tích hợp trong trường học tiên tiến bậc phổ thông. Hiện tại có 100 GV được chọn tham gia để tiến đến năm 2020, TP sẽ có tất cả 400 GV tham gia giảng dạy các lớp tích hợp. Khi đó, GV người nước ngoài chỉ đảm trách môn tiếng Anh, các môn còn lại như toán, khoa học… do GV VN chịu trách nhiệm.
Không muốn con bị “điếc” tiếng anh !
 Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con em đang theo học chương trình tích hợp phản ứng dữ dội. Ông Nguyễn Văn Hoan, phụ huynh học sinh tiểu học tại Q.1, lên tiếng: “Tôi có con đang học chương trình tích hợp. Tôi thực sự không vui khi nghe tin này. Tôi đóng tiền nhiều hơn chương trình thường để con học với GV nước ngoài với mong muốn con không bị "điếc" (không nghe, hiểu và nói) tiếng Anh như cách dạy trước đây. Tôi chấp nhận đóng học phí cao để GV bản ngữ dạy 100%, các con có môi trường rèn luyện tiếng Anh với người bản xứ”.
Ông N.Đ, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đống Đa (Q.Tân Bình), cũng không đồng tình và thể hiện quan điểm: “Tôi đóng tiền nhiều để con tôi có thể học GV nước ngoài. Nếu GV VN dạy thì tôi sẽ xin cho con ra khỏi lớp tích hợp và dùng tiền đó cho cháu đi học tiếng Anh ở trung tâm”.
Một số GV cũng tỏ ra nghi ngờ về chất lượng đào tạo người thay thế theo kiểu tại chỗ của TP.HCM. Một GV ở Q.3 thắc mắc: “Các môn khoa học do GV VN giảng dạy, vậy GV đó ở chuyên ngành nào: tiếng Anh hay các môn tự nhiên? GV tiếng Anh thì không vững chuyên môn tự nhiên, còn GV môn tự nhiên mà dạy tiếng Anh thì không biết chất lượng thế nào!”.
 
 

Đào tạo theo 4 giai đoạn
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc làm của TP nhằm mục đích tăng chất lượng đội ngũ GV, mở rộng cơ hội cho học sinh tiếp cận với chương trình tiên tiến.
Theo ông Hoàng, điều kiện để dự tuyển tham gia chương trình đào tạo này là GV dạy toán và khoa học đạt chuẩn ở từng cấp tiểu học, THCS và THPT phải thuộc biên chế của ngành giáo dục, trình độ tiếng Anh ở mức độ thấp nhất phải tương đương mức A2 theo chuẩn châu Âu (ưu tiên lựa chọn những GV có trình độ tiếng Anh cao hơn). Ông Hoàng thông tin thêm, để chọn ra 100 GV tiểu học tham gia đào tạo trong đợt này, thì có hơn 300 ứng viên dự tuyển. Những ứng viên này ngoài đạt những điều kiện về bằng cấp còn trải qua bài kiểm tra của Tập đoàn GD Pearson (Vương quốc Anh), đơn vị cung cấp chương trình chịu trách nhiệm đào tạo.
Chương trình đào tạo thực hiện qua 4 giai đoạn kéo dài trong khoảng 1,5 năm. Giai đoạn 1 bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh nhằm chuẩn hóa chuẩn B2. Giai đoạn 2 bồi dưỡng kỹ năng sư phạm và giảng dạy trong lĩnh vực song ngữ cho môn toán, khoa học cùng các môn học khác… Kế đến là giai đoạn chuyên sâu với mục tiêu tập trung xây dựng nền tảng phương pháp giảng dạy khoa học thông qua chú trọng thực hành, thực tiễn. Cuối cùng là giai đoạn nâng cao giúp GV tiếp cận tầng trí thức cao nhất của não bộ, giúp học sinh đạt tới sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện các ứng dụng khoa học và toán học.
Ông Hoàng khẳng định: “GV sau khi hoàn tất khóa học có đủ năng lực và phương pháp giảng dạy, kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức sư phạm và các phương pháp giảng dạy đặc biệt khác để truyền đạt kiến thức và dạy học các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh. GV có thể tự tin xây dựng kỹ năng giảng dạy cần thiết cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, trong đó bao gồm phương pháp dạy kết hợp ngôn ngữ và nội dung trong chương trình tích hợp Anh – Việt”.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), cho rằng về lâu dài đây là việc nên làm để tạo điều kiện cho học sinh tham gia cũng như không phải phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ GV nước ngoài.
Tuy vậy, qua thời gian tìm hiểu về nội dung chương trình, ông Khoa cũng nói việc đào tạo GV tiểu học đơn giản hơn và ổn định vì nội dung giảng dạy ở bậc học này đơn giản, vốn từ vựng không nhiều. Còn kiến thức toán, khoa học từ bậc THCS trở lên khá phức tạp. Đặc biệt, để dạy môn khoa học đòi hỏi GV phải có kỹ năng ngoại ngữ tốt trong khi thực tế số GV đủ trình độ đáp ứng chương trình này không nhiều.
Do vậy, theo ông Khoa, nên chọn lực lượng từ các giáo sinh trong trường sư phạm để có sự đào tạo bài bản và căn cơ chứ tuyển từ đội ngũ GV cơ hữu không khả quan lắm.
Sẽ có phân tầng học phí
Chương trình tiếng Anh tích hợp là tên gọi tắt của chương trình “Dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và VN”.
Chương trình được biên soạn tích hợp giữa chương trình quốc gia Anh với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT VN cho 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học, trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh.
Theo Sở GD-ĐT, việc giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp, phần nội dung khung chương trình Anh sẽ do GV bản ngữ đảm trách, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ về nội dung giữa GV VN và GV bản ngữ để tránh trùng lắp. Nội dung khung chương trình VN sẽ do GV của VN giảng dạy.
Sau thời gian thực hiện ở 18 trường trong học kỳ 2 năm học 2014 – 2015, từ năm học 2015 – 2016 đến nay TP đã có gần 60 trường chính thức triển khai chương trình.
Theo ông Hoàng, khi GV VN tham gia, học phí của chương trình này sẽ có sự phân tầng, đáp ứng được đa dạng đối tượng học sinh. Tùy từng nhu cầu, điều kiện kinh tế, phụ huynh có thể lựa chọn 2 mức: học 100% GV nước ngoài thì học phí sẽ cao hơn, hoặc học tiếng Anh với người bản ngữ còn toán và khoa học với GV người Việt thì học phí giảm.

Bích Thanh/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)