Tôi có người em đồng hương tên Tuấn mới vào thành phố dạy học hơn năm nay. Vừa rồi hai anh em gặp nhau uống cà phê cùng tâm sự. Câu chuyện sáng ấy không phải nói về chuyện ở quê nhà mà là câu chuyện liên quan đến giáo dục, một câu chuyện rất ý nghĩa mà Tuấn học được từ phụ huynh.
Nhiều phụ huynh có quan niệm “sức học của con thế nào thì điểm số thế ấy” chứ không chạy theo thành tích. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 mạnh dạn đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.Bình |
Tuấn kể: “Em vào thành phố công tác tại một trường tư thục ở quận Phú Nhuận. Kết thúc học kỳ 1 năm học 2016-2017, lớp 11A3 mà em làm chủ nhiệm có em Nghĩa là học sinh học giỏi, điểm trung bình môn rất cao nhưng điểm môn sử gần 6.5 nên em chỉ xếp loại khá. Khi Nghĩa trình bày rằng sang học kỳ 2 sẽ đi du học Canada, nếu học bạ xếp loại giỏi em sẽ được học trường tốt. Vì vậy em muốn nhờ thầy chủ nhiệm xin giáo viên bộ môn cho điểm môn sử đạt 6.5 để được xếp loại giỏi. Là một học sinh vừa học giỏi vừa chăm ngoan, nên khi nghe Nghĩa trình bày nguyện vọng của mình, em cũng hiểu phần nào và muốn giúp đỡ. Sau đó em đã gặp giáo viên bộ môn trao đổi thì thầy cho hay: “Điểm đã nộp cho nhà trường rồi. Nếu chưa nộp thì tôi có thể cho Nghĩa làm thêm bài kiểm tra để có cơ hội sửa điểm. Tôi rất tiếc. Thầy có thể trao đổi với ban giám hiệu về trường hợp này”. Nghĩ mình chân ướt chân ráo mới vào trường, làm sao có thể gặp ban giám hiệu để xin điểm cho học trò. Thế là em gọi điện cho phụ huynh – mẹ của Nghĩa – góp ý rằng phụ huynh nên gặp ban giám hiệu để xin. Qua điện thoại, phụ huynh đồng ý lên gặp ban giám hiệu. Mặc dù em đã dặn đến trước 5 giờ chiều nhưng phụ huynh lại đến sau giờ ấy. Khi gặp phụ huynh, em nói: “Tôi dặn chị đến trước 5 giờ, sao giờ chị mới đến? Thật tiếc vì ban giám hiệu đã về hết rồi”. Nghe em nói vậy, chị phụ huynh cho hay: “Tôi cố tình đến sau để không gặp ban giám hiệu thầy ạ!”. Rồi chị tâm sự: “Tôi rất cảm ơn thầy đã quan tâm tới con tôi. Tôi hiểu tấm lòng của thầy chủ nhiệm khi nghĩ tới trường hợp của cháu. Việc nâng thêm chút điểm để đạt học sinh giỏi không có gì to tát, nhưng thôi. Tôi nhờ thầy nói với cháu rằng, học thế nào thì điểm thế ấy để cháu biết lực học của mình mà cố gắng. Tôi biết, nếu cháu xếp loại giỏi thì qua bên ấy sẽ học trường tốt hơn. Nhưng, nếu giờ tôi xin cho cháu một lần ở bên này thì qua bên ấy biết đâu lại diễn ra tương tự. Tôi có thể theo sát cháu lúc này và ở Việt Nam; qua học kỳ 2 cháu ở bên đó làm sao tôi theo sát được. Và cả cuộc đời của cháu, tôi càng không thể lúc nào cũng bên cạnh. Cứ để điểm số như vậy để cháu biết giá trị, lấy đó mà vươn lên. Cuộc đời của cháu do cháu quyết định”. Từ quan niệm của phụ huynh, em rất cảm kích. Và em vô cùng ngạc nhiên trước quan niệm sống của chị phụ huynh như thế. Đây là lần đầu tiên trong nghề cũng như trong đời mà em biết. Sau khi kết thúc học kỳ 1, học lực của con mình chỉ xếp loại khá nhưng phụ huynh lại rất hài lòng. Chị đã đem quà tặng cho các thầy cô dạy bộ môn và nói lời cảm ơn tới thầy cô đã dạy dỗ con mình. Thật đáng quý về quan niệm sống và cách ứng xử như thế”.
Hiện nay, chuyện phụ huynh xin điểm để con đạt loại khá, loại giỏi không phải là hiếm. Những phụ huynh vì bệnh thành tích thì chuyện xin điểm lại trở nên bình thường. Dẫu biết đó là giá trị ảo nhưng không ít phụ huynh vẫn thích ảo như thế. Có khi chính con cái sẽ ỷ lại việc học bởi đã có cha mẹ “bao bọc”. Bởi vậy, quan niệm của vị phụ huynh trên đúng là một bài học quý, một bài học đáng trân trọng đối với những người gắn bó với sự nghiệp trồng người như chúng tôi.
Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THCS-
THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)