Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phụ huynh phát hiện thực phẩm “bẩn” khi giám sát bếp ăn bán trú

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 2610, mạng xã hội lan truyền 4 clip được phụ huynh Trường Tiểu học Phú Hữu (TP. Thủ Đức) ghi tại một cơ sở cung cấp thức ăn bán trú khi cùng với trường đi kiểm tra cơ sở cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh.

Theo clip, phụ huynh cho biết: Chiều 25-10 khi kiểm tra cơ sở cung cấp thức ăn bán trú cho các bé, kiểm tra tủ đông thì phát hiện có chân gà đen, thịt gà thối chưa chế biến; xúc xích được thái sẵn hàng bịch, cá viên chiên để trong tủ lạnh, không biết nguồn gốc xuất xứ; dưới nền nhà là các chai tương ớt, xì nhầu không nhãn mác…

Chiều 27-10, thầy Phan Thanh Phải – Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hữu xác nhận sự việc được phụ huynh ghi lại trong chiều 25-10 khi cùng Ban giám hiệu kiểm tra (có báo trước) đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.

Thầy Phải cho biết, ngay chiều 25-10, nhà trường đã làm việc với đơn vị này yêu cầu nâng cao trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 26-10, trường đã họp gấp ban đại diện cha mẹ học sinh, thống nhất ngưng hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú với đơn vị đó và dừng phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh từ ngày 26-10.

Trường hiện có 700 học sinh tham gia bán trú (khoảng trên 70%). Do không có bếp ăn tại trường nên trường hợp đồng với đơn vị bên ngoài để cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh, với 28.000 đồng/học sinh/suất ăn trưa. Phần ăn xế là 6.000 đồng/học sinh. Mỗi năm, trường đều phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trường tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, kiểm tra có báo trước đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh.


Trường Tiểu học Phú Hữu đã ngưng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho hoc sinh sau khi kiểm tra

“Khi dừng tổ chức bữa ăn bán trú thì chỉ khoảng gần 20 học sinh gia đình không đưa đón được, phụ huynh mang cơm theo cho bé, nhà trường bố trí bảo mẫu để hỗ trợ. Hiện trường đang cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng phương án tổ chức bán trú cho học sinh. Phụ huynh sẽ đưa ra danh sách các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú, trường cùng với Trung tâm y tế TP Thủ Đức sẽ kiểm tra trực tiếp đơn vị đó để chọn cho phù hợp. Cố gắng trong tuần sau, việc ăn, ngủ bán trú của học sinh sẽ đi vào ổn định”  – thầy Phan Thanh Phải cho hay.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức cho biết, ngay khi tiếp nhận sự việc phòng đã yêu cầu trường báo cáo rõ sự việc. Đồng thời, Trung tâm y tế TP Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra, xác minh thực phẩm của đơn vị này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Việc xử lý sẽ theo đúng quy định nếu có sai phạm.

“Bên đơn vị cung cấp suất ăn cho biết những thực phẩm “bẩn” đó đã được loại bỏ nhưng chưa kịp tiêu huỷ. Những thực phẩm này qua xác minh cũng hoàn toàn không có trong thực đơn bữa ăn của học sinh. Tuy nhiên, việc lưu trữ thực phẩm không đảm bảo chất lượng, lại để lẫn với thực phẩm nấu cho trẻ thì nguyên tắc là không thể được. Phòng giáo dục từ đầu năm đã phối hợp với các phòng ban, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các đơn vị cung cấp thức ăn bán trú cho trường học cũng như việc tổ chức bữa ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên, sau sự việc này sẽ tăng cường công tác kiểm tra hơn nữa, nếu có phát hiện sai phạm thì sẽ phối hợp tham mưu xử lý đúng quy định” – bà Hiền nêu.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức thông tin, toàn TP Thủ Đức chỉ có một số trường tự tổ chức bếp ăn tại trường, nằm nhiều ở bậc mầm non, đa phần trường phối hợp với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp. “Phòng giáo dục yêu cầu các trường học tăng cường cho phụ huynh cùng giám sát bữa ăn bán trú, để làm sao nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh”.

UBND TP Thủ Đức đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học năm học 2023- 2024.

Theo đó, đoàn kiểm tra gồm Phòng Y tế TP Thủ Đức, Phòng GD-ĐT, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, UBND 34 phường, kiểm tra đơn vị cung cấp bếp ăn, suất ăn cho 90 trường học trong và ngoài công lập trên địa bàn. Việc kiểm tra tập trung vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, thực hiện lấy mẫu sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiệm nghiệm thực phẩm tại các trung tâm kiểm nghiệm được chỉ định.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)