Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phụ huynh “tá hỏa” với các khoản tự nguyện

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) của Trường THCS Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc về các khoản thu tự nguyện của trường.

Quỹ lớp thu được gần 80 triệu đồng!?
Theo phản ảnh của PH, đầu năm học, trong 14 khoản thu, ngoài các khoản bắt buộc (học phí), các khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ Đội) thì phụ huynh còn phải đóng các khoản được cho là tự nguyện: Quỹ khuyến học: 40.000đ/năm; Quỹ nhân đạo: 10.000đ/năm; Quỹ cha mẹ học sinh trường: 200.000đ/năm; Quỹ hỗ trợ (học chiều) 40.000đ/tháng; Bảo trì máy tính: 270.000đ/năm; Xã hội hóa nhà trường: 220.000đ/năm; Kỹ năng sống: 400.000đ/năm; Báo Đội: 36.000đ/năm; Photo: 30.000đ/năm; Sổ liên lạc điện tử: 144.000đ/năm; Quỹ lớp 1.800.000đ/năm (1.000.000đ nộp học kỳ 1, 800.000đ nộp học kỳ 2). Tổng các khoản PH phải nộp nếu không bán trú là 2.880.000đ, học sinh bán trú là 3.555.000đ. Theo vị PH này thì có rất nhiều khoản đóng góp mù mờ và áp đặt. “Như quỹ học chiều phục vụ cho mục đích nào, dù chúng tôi đã đóng học phí học chiều riêng. Quỹ bảo trì máy tính dùng để làm gì khi khối 9 đã học xong phần tin học. Khi hỏi về lớp kỹ năng sống, chúng tôi nhận được câu trả lời từ cô giáo chủ nhiệm là đây là chủ trương của Phòng Giáo dục??? Không phải ai trong số chúng tôi cũng có nhu cầu sử dụng sổ liên lạc điện tử nhưng đây lại được đưa vào chi phí bắt buộc”, vị PH này bức xúc.
Nhiều PH phản ánh nếu cả năm PH sẽ phải đóng 1.800.000đ và một lớp 43 học sinh thì số tiền quỹ lớp mà hội PH thu được sẽ là trên 77 triệu đồng/năm. Trong số này có khoảng trên 22 triệu là tiền để chi phí cho các ngày 20-10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam), 20-11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam), 8-3 và Tết Nguyên đán. Trong những ngày này, không chỉ tặng quà, phong bì cho cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn mà tặng cả cho lao công, bảo vệ, y tế nhà trường. Hơn nữa, trong số tiền quỹ lớp này đã bao gồm cả tiền thưởng cho học sinh các dịp như trong tháng, trong tuần, cả năm, đạt giải thành phố, vậy còn Quỹ khuyến học mà PH phải đóng 40.000đ/năm nữa là để làm gì?
Đã thống nhất nhưng sao PH phản ứng!
Trước phản ảnh của PH, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Nam. Bà Ngọc cho biết, đúng là hiện tại Trường THCS Thanh Xuân Nam còn có rất nhiều khó khăn. Hiện trường có gần 600 học sinh với 16 lớp từ khối 6 đến khối 9. Trước khi họp PH toàn trường, trường đã họp với 16 chi hội trưởng PH của các lớp, với ban PH nhà trường. Sau đó, thỏa thuận làm văn bản tới từng cha mẹ học sinh về các khoản thu đầu năm. Theo bà Ngọc, các khoản thu này được nhà trường căn cứ trên cơ sở văn bản hướng dẫn thu chi 7666 và Quyết định số 8013 về hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học của sở GD-ĐT. Do đó, thu chi đảm bảo theo nguyên tắc thu đủ chi và tự nguyện của PH. Vì vậy, bà Ngọc cho biết: Sổ liên lạc điện tử, kỹ năng sống hoàn toàn do PH thấy cần thiết cho con em mình thì đóng. Còn bảo trì máy tính, trường có một phòng máy do đó, nhà trường thuê một bộ phận bên ngoài hàng tháng đến bảo trì và sửa chữa. “Nói học sinh lớp 9 không còn học tin học nữa là không đúng vì lớp 9 còn liên quan đến thi nghề”, bà Ngọc nói. Còn các khoản khác đều trên danh nghĩa tự nguyện, do hội PH đứng ra thu, nhưng nhà trường sẽ giữ tiền (vì đây là tài sản công nên không thể giao cho một cá nhân nào giữ), còn PH duyệt chi. Các khoản chi sẽ bao gồm hỗ trợ thêm cho bảo vệ, lao công, thưởng cho HS theo tuần, HS đạt giải thành phố…
Nhưng khi được hỏi vì sao PH có sự bức xúc, bà Ngọc cho rằng có thể do giáo viên chủ nhiệm phổ biến không kỹ đến với PH. Tuy nhiên, trong các khoản PH phải nộp thì khoản 1.880.000đ (gồm tất cả các khoản tự nguyện ở trên) khi đến tay PH thì nó trở thành khoản thu bắt buộc nộp cho trường. Chính sự nhập nhèm này đã khiến PH bức xúc.
Thiên Lam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)