Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phụ huynh tham gia tư vấn cùng con

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, giải đáp băn khoăn cho phụ huynh tại phần tư vấn riêng
Vừa qua, hàng trăm phụ huynh và học sinh Trường THPT Trần Phú (TP.HCM) đã tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức.
Tại chương trình, nhiều phụ huynh cũng tham gia đặt câu hỏi cho Ban tư vấn về thị trường lao động, chọn trường nào dễ đậu ĐH…
“Chọn nghề có giá”
Ông Nguyễn Tâm, phụ huynh em Nguyễn Thị Ánh Hồng (lớp 12A12), cho biết điều ông mong mỏi nhất là được Ban tư vấn giải đáp những băn khoăn lâu nay chất chứa trong lòng. Ông chia sẻ: “Ai có con học lớp 12 cũng lo lắng về sức học của con sẽ phù hợp với ngành nào, trường nào. Nhiều người chỉ quan tâm đến ngành nghề “có giá” mà quên đi sở thích của con dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn ngành, chọn trường để thi. Riêng tôi thì ủng hộ con khi cháu quyết định chọn ngành tiếng Anh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Tuy nhiên, cũng như các phụ huynh khác, điều mà tôi băn khoăn là 4-5 năm sau liệu ngành này có dễ xin việc hay sẽ rớt giá vì cầu có thể vượt cung”. Cùng tâm trạng này, ông Nguyễn Đăng Trì (phụ huynh em Bảo Khánh, lớp 12A10) phân vân: “Tôi làm trong lĩnh vực ngân hàng nên thấy những năm gần đây ngành này gặp nhiều khó khăn, sinh viên ra trường không có việc làm. Tương tự, tôi được biết ngành sư phạm hiện cũng đang dư thừa lao động. Vậy sau 4-5 năm nữa, con tôi tốt nghiệp ĐH thì thị trường lao động sẽ thế nào”.
Câu hỏi này được rất nhiều phụ huynh tâm đắc. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, phân tích: “Đúng là ngành tài chính – ngân hàng những năm gần đây gặp một số khó khăn, giảm khoảng 30% nhân lực. Nhưng thời gian tới, các ngân hàng có xu hướng liên minh để tạo nguồn lực. Hơn nữa, theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ khoảng 14%/năm nhưng vấn đề là sẽ tuyển dụng nhân lực chất lượng, yêu cầu tính trung thực và kỹ năng cao. Trong năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN nên nhiều nhóm ngành tiếp tục phát triển và tạo thêm 14 triệu lao động”.
Theo ông Tuấn, năm 2015, cộng đồng này sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025.
Lập kế hoạch để xét tuyển
Trong khi phụ huynh băn khoăn về thị trường lao động trong tương lai thì các em học sinh lại lo lắng việc xét tuyển như thế nào để vào học đúng trường mà mình mong muốn.
Trong phần tư vấn chung, ông Trần Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Khi nhận 4 phiếu điểm để xét tuyển vào ĐH, mỗi đợt các em nộp phiếu xong đừng vội rút mà nên xem xét đến khoảng 2/3 thời gian xét tuyển thấy không ổn mới rút để nộp trường khác. Trước khi Bộ GD-ĐT công bố thời gian nộp phiếu xét tuyển, các em nên xem lại điểm chuẩn những năm trước của các trường ĐH mà mình dự kiến xét tuyển, chia thành từng tốp: Trên, giữa, dưới để khi xét tuyển đợt này mà không đỗ thì trong đầu đã có kế hoạch nộp đợt kế tiếp cho trường nào. Đừng đợi “nước đến chân mới nhảy”. Những học sinh thi môn năng khiếu nên tìm hiểu kỹ trường ĐH đó tổ chức thi môn năng khiếu ở thời điểm nào? có tổ chức hay không? có trường nào lấy điểm xét tuyển môn năng khiếu khi thí sinh thi ở trường khác hay không?… để có cơ hội xét tuyển tiếp nếu không đỗ ở đợt đăng ký đầu”.
Một học sinh nam đặt câu hỏi: “Nếu em thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, điểm chuẩn chung cho 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển là 27 nhưng có quá nhiều thí sinh so với chỉ tiêu thì trường sẽ xét thêm tiêu chí nào”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Chuyên viên Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho hay: “Trường ĐH Y dược TP.HCM xét tuyển 3 môn là toán, hóa và sinh. Theo đó, trường sẽ xét tuyển điểm từ cao xuống thấp, nhưng nếu 3 môn lấy điểm cao nhất rồi mà số hồ sơ nộp vào vẫn vượt chỉ tiêu thì trường sẽ xét ưu tiên cho thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia môn hóa đối với ngành y, môn sinh đối với các ngành còn lại. Nếu xét học sinh giỏi quốc gia rồi vẫn vượt chỉ tiêu thì xét tiếp tổng điểm 4 môn thi xét tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia, nếu vượt chỉ tiêu tiếp nữa thì xét thêm tổng điểm trung bình 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của 3 năm THPT”.
Bài, ảnh: Dương Bình
HỎI – ĐÁP
Nếu nộp cả 4 phiếu mà em không đỗ trường ĐH nào thì em đăng ký học ngành nhà hàng khách sạn ở các trường trung cấp có được không? (Ngô Bảo Nga, lớp 12A1)
– Ông Tô Hoàng Thắng (Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) trả lời:Khi xét tuyển vào ĐH, CĐ, những học sinh nào có năng lực học tập cao thì nộp vào trường tốp trên; học lực khá và trung bình nên nộp vào trường tốp giữa hoặc tốp dưới. Hiện nay, các trường đào tạo ngành nhà hàng khách sạn từ trung cấp đến ĐHđều có liên kết với các nhà hàng – khách sạn để tạo điều kiện cho các em thực hành thực tập và giải quyết việc làm sau khi ra trường. Vì vậy, nếu các em có đủ năng lực thì học ĐH, còn học lực chỉ ở mức trung bình thì học CĐ hay trung cấp. Tất cả đều có cơ hội phát triển miễn là các em có niềm đam mê, chịu khó học hỏi.
Khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nếu thí sinh cảm thấy có một số sai lệch điểm thì có được phúc khảo hay không? hình thức phúc khảo như thế nào? (Ngọc Huyền, lớp 12A10)
– Ông Trần Duy Khang (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) trả lời:Phúc khảo là quyền lợi của mỗi thí sinh. Khi công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ công bố thời gian nộp đơn phúc khảo, nếu các em phân vân với số điểm được thông báo thì nộp đơn xin phúc khảo. Sau khi phúc khảo xong, nếu điểm số sai lệch thì Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh ở phiếu điểm mới trước khi các trường ĐH chính thức nhận phiếu điểm xét tuyển.
Minh Châu (ghi)
 
 

Bình luận (0)