Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phụ huynh thiếu kiến thức, trẻ bị suy dinh dưỡng

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ cần được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: “Hiện nay, mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em có giảm nhưng vấn đề về dinh dưỡng vẫn là một thách thức lớn đối với toàn xã hội”.
Suy dinh dưỡng ở trẻ con nhà giàu
Một cuộc khảo sát về tình trạng dinh dưỡng ở khu vực Đông Nam Á đã cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em béo phì cao nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng ở mức đáng báo động. BS. Diệp cho biết: “Trước đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức khá cao là 50% nhưng hiện nay tỷ lệ này đã giảm đáng kể còn 15,9%. Riêng TP.HCM có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ thấp nhất cả nước với khoảng 38.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng, mức suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 4,3% còn thể thấp còi là 6,7%”. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể bởi vậy nên cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi. Cũng theo BS. Diệp: “Các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, đông con thì những đứa trẻ không được ăn uống đầy đủ dẫn đến bị suy dinh dưỡng là điều dễ hiểu, nhưng bên cạnh đó có nhiều trẻ em sống trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng có nguy cơ suy dinh dưỡng cao do nhiều bà mẹ thiếu kiến thức trong việc nuôi con”. Để có một đứa trẻ phát triển khỏe mạnh, không bị suy dinh dưỡng thì các bà mẹ phải cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Đây là vấn đề không phải bà mẹ nào cũng tuân theo. BS. Diệp nhấn mạnh: “Sau 6 tháng mới nên cho trẻ ăn dặm nhưng cần phải cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày vì trẻ nhỏ không thể ăn một lần với khối lượng lớn như trẻ lớn hoặc người lớn”. Thế nhưng, vì nhiều lí do như công việc bận rộn, thậm chí nhiều bà mẹ còn sợ ảnh hưởng đến vóc dáng nên các bậc phụ huynh cho trẻ ăn dặm quá sớm, từ khi mới 3-4 tháng tuổi hoặc có khi cho trẻ ăn dặm quá muộn. Theo BS. Diệp: “Đây là những tập quán nuôi dưỡng chưa hợp lí cần được khắc phục”.  Chị Nguyễn Thị Tâm (công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận) chia sẻ: “Công việc của tôi thì thường xuyên phải làm theo ca nên bé Bo phải gửi cho bà ngoại chăm. Bé được 4 tháng tôi đã bắt đầu cho ăn dặm, bú sữa mẹ cũng ít nên bé được 6 tháng mà mới nặng có 6kg”.
Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ
Muốn phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, cần có sự hiểu biết, chủ động và thay đổi thực hành của mỗi gia đình. BS. Diệp nhấn mạnh: “Biện pháp cần thực hiện là vấn đề truyền thông giáo dục về chế độ ăn, cách nuôi con bằng sữa mẹ, tư vấn cách thức nuôi con đối với mỗi gia đình. Tổ chức các buổi thực hành về nuôi dưỡng trẻ nhỏ như thực hành việc chế biến thức ăn”. Ngoài ra, việc phòng bệnh cho trẻ cần được quan tâm vì khi giảm thiểu khả năng mắc bệnh thì cũng giảm khả năng suy dinh dưỡng.
Cũng theo BS. Diệp: “Người mẹ bị suy dinh dưỡng trong quá trình mang thai thì có thể đứa con sinh ra cũng bị suy dinh dưỡng còi cọc, nhẹ cân. Vì vậy, người mẹ phải tầm soát trước sinh để theo dõi sự phát triển của thai nhi với hi vọng cho ra đời những đứa con khỏe mạnh. Theo dõi tăng trưởng hàng tháng để điều chỉnh chế độ ăn uống của trẻ cho hợp lí, đây cũng là cách tốt nhất để nhận ra đứa trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, trẻ bị suy dinh dưỡng thì thường không tăng cân. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm dinh dưỡng và giữ vệ sinh môi trường, cho trẻ đi chích ngừa đầy đủ”. 
Để cho một đứa trẻ phát triển đầy đủ và toàn diện thì các bậc phụ huynh cần chăm sóc cho trẻ cả về mặt tâm lí và sức khỏe. Các bà mẹ cũng nên dành thời gian để chăm sóc cho trẻ thay vì khoán trắng cho người giúp việc, cho ông bà hay cho nhà trường.
BS. Diệp cho biết: “Ngày nay, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi lớn bị suy dinh dưỡng cao hơn so với trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thì mang theo nhiều hệ lụy như trẻ chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần, có nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng đến tầm vóc khi trưởng thành và giảm thiểu trí thông minh, chỉ số cảm xúc thấp hơn ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Bệnh lí cũng là một nguyên nhân
BS. Diệp cho biết: “Nếu như trẻ bị mắc các bệnh lí như viêm đường hô hấp, nhiễm trùng ở đường tiêu hóa, các bệnh do kí sinh trùng, mang các bệnh lí bẩm sinh như tim bẩm sinh, sứt môi… cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng ở thể thấp còi và nhẹ cân”. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)