5 giờ sáng, phụ huynh đến trường trực tiếp trải nghiệm quy trình tiếp phẩm, chế biến món ăn bán trú, đồng thời được ăn cùng con bữa trưa ở trường… Đây là hoạt động lần đầu tiên được một trường học tại TP.HCM tổ chức, nhằm công khai chất lượng bữa ăn bán trú đến phụ huynh.
Từ 5 giờ sáng, nhiều phụ huynh đã đến Trường THCS Minh Đức tham quan quy trình tiếp phẩm, chế biến món ăn của bếp trưa bán trú
Mới đây, Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) đã mời phụ huynh học sinh của trường tham quan bếp ăn và dùng bữa trưa bán trú cùng học sinh. Theo đó, có 3 khung giờ để phụ huynh lựa chọn tham quan quy trình hoạt động của bếp ăn bán trú, gồm: 5 giờ sáng là thời gian tiếp phẩm; 9 giờ 30 đến 11 giờ là thời gian nấu ăn và chia khay ăn đến các lớp; 11 giờ 30 là giờ ăn bán trú.
Lần đầu tiên được tham quan, trải nghiệm bếp ăn và bữa ăn bán trú của con ở trường, chị Bùi Thanh Nga (phụ huynh một học sinh lớp 7/1) vô cùng háo hức, chị đăng ký khung giờ thăm bếp nấu và giờ ăn bán trú. Chị Nga chia sẻ, khi con học bán trú, điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng quan tâm đó là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng bữa ăn của con. “Hôm nay tôi được tận mắt thấy quy trình nấu ăn, tổ chức bữa ăn bán trú và khẩu phần ăn của con ở trường. Thấy con ăn ngon miệng tôi thực sự rất an tâm. Bếp ăn dù còn chật, nóng nhưng khá sạch sẽ; đầu bếp và bảo mẫu mặc đồ theo quy định. Đồ ăn nóng ấm đến khi các cháu ăn…”, chị Nga nói.
Thực đơn bữa trưa bán trú của học sinh Trường THCS Minh Đức hôm phụ huynh tham quan, trải nghiệm gồm có cơm ăn cùng đùi gà kho, canh bí sườn heo và món dưa hấu tráng miệng. Các em học sinh không bị giới hạn khẩu phần ăn (ăn hết phần có thể xin thêm). Với 35 ngàn đồng/bữa ăn, nhiều phụ huynh đánh giá khẩu phần ăn được nhà trường tổ chức đa dạng, phong phú, đủ chất dinh dưỡng. Chị Hoàng Thu Hiền (phụ huynh một học sinh lớp 6/2) chia sẻ, học sinh THCS không còn quá nhỏ như trẻ mầm non, tiểu học để phải chăm bẵm từng bữa ăn, nhưng các cháu lứa tuổi này đang trong giai đoạn phát triển nhanh, vì thế bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng.
Là phụ huynh học sinh đầu cấp THCS, chị Hiền đánh giá rất cao hoạt động công khai chất lượng bữa ăn bán trú của Trường THCS Minh Đức ngay từ đầu năm học. “Hàng ngày phụ huynh vẫn trao đổi với con về bữa ăn ở trường để có gì kịp thời góp ý với nhà trường. Thế nhưng, khẩu vị của học sinh có thể mỗi ngày mỗi khác, việc nhà trường mời phụ huynh tham quan, trải nghiệm bữa ăn của học sinh ở trường là cực kỳ cần thiết, tạo được sự tin tưởng và đồng hành của phụ huynh. Khi tham quan, trải nghiệm quy trình tiếp phẩm, nấu ăn và ăn cùng con, tôi đều chụp hình rồi gửi vào group phụ huynh lớp để phụ huynh nào chưa có điều kiện tham quan, trải nghiệm hôm nay sẽ an tâm hơn”, chị Hiền bày tỏ.
“Trong điều kiện thực tế, nhà trường luôn cố gắng đáp ứng tốt nhất chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh và công khai hàng ngày đến phụ huynh qua các bảng tin ở khu vực căng tin, cổng trước, cổng sau. Khi mời phụ huynh tham quan bữa ăn bán trú, nhà trường mong muốn công khai thêm để phụ huynh được biết, góp ý, hiểu, thông cảm, cùng nhà trường xây dựng”, cô Trần Thúy An (Hiệu trường Trường THCS Minh Đức) nói. |
Năm học 2022-2023, Trường THCS Minh Đức có 1.653 học sinh; 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Số học sinh ăn bán trú dao động từ 1.200 đến 1.300 em/ngày, theo nhu cầu của phụ huynh. Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, trong điều kiện thực tế, nhà trường luôn cố gắng đáp ứng tốt nhất chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh và công khai hàng ngày đến phụ huynh qua các bảng tin ở khu vực căng tin, cổng trước, cổng sau. Khi mời phụ huynh tham quan bữa ăn bán trú, nhà trường mong muốn công khai thêm để phụ huynh được biết, góp ý, hiểu, thông cảm, cùng nhà trường xây dựng. “Trước đó nhà trường đã gửi thư mời đến từng lớp, phụ huynh nào có nhu cầu tham quan bếp ăn bán trú đăng ký với giáo viên chủ nhiệm, nếu muốn ở lại ăn trưa cùng con thì thông báo để nhà trường báo suất ăn với nhà bếp. Rất nhiều phụ huynh đã… đột xuất dự trước ngày mời, cho thấy phụ huynh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn bán trú ở trường của học sinh”, cô An chia sẻ. Sau 2 ngày tham quan, trải nghiệm bếp ăn bán trú, cô An hào hứng cho hay, nhiều phụ huynh đã “hiến kế” mỗi tháng nhà trường trưng cầu ý kiến học sinh về thực đơn và chất lượng món ăn. Món nào nhiều học sinh mong muốn ăn thì tháng sau nhà trường sẽ tăng thêm, còn món nào học sinh không thích thì nhà trường sẽ ghi nhận lý do để thay đổi. “Đề xuất này của phụ huynh sẽ được nhà trường thực hiện ngay trong tháng 10”, cô An khẳng định.
Cũng trong việc công khai chất lượng giáo dục đến phụ huynh, Trường THCS Minh Đức đã tổ chức hoạt động phụ huynh cùng học, cùng chơi với con trong nhiều chương trình giáo dục. Theo cô An, càng trong đổi mới giáo dục, việc công khai để tạo sự đồng thuận trong phụ huynh càng có vai trò quan trọng. Trước hết sẽ giúp phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ với các hoạt động đổi mới của nhà trường, từ đó tìm ra tiếng nói chung trong tổ chức hoạt động giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Bên cạnh đó sẽ giúp nhà trường, giáo viên mạnh dạn hơn khi đổi mới. “Trước đó, khi đưa hoạt động giáo dục STEM vào chương trình giáo dục của trường, điều lo nhất của nhà trường là phụ huynh không hiểu và không ủng hộ. Thế nhưng, khi nhà trường mời phụ huynh tham gia trực tiếp tiết học, chứng kiến con em mình say mê học tập, tạo các sản phẩm từ môn học thì phụ huynh rất ủng hộ. Chính sự ủng hộ, đồng hành của phụ huynh bước đầu đã giúp các hoạt động giáo dục của nhà trường được đa dạng, tạo nhiều trải nghiệm nhất cho học sinh”, cô An cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)