Hơn 60% học sinh tiểu học ở Trung Quốc đi học kèm các môn Toán, Văn, Anh. Tỷ lệ này ở các thành phố lớn là 70%.
SCMP ngày 4/12 đưa tin theo một hiệp hội giáo dục quốc gia, phụ huynh Trung Quốc chi trung bình 120.000 nhân dân tệ (khoảng 405 triệu đồng) mỗi năm cho việc học thêm ngoại khóa của con. Thậm chí một số người đã bỏ ra số tiền lên tới 300.000 nhân dân tệ (hơn một tỷ đồng).
"Các lớp học thêm trở nên phổ biến hơn làm thay đổi việc học thông thường. Bố mẹ gửi con đến 6 tiếng cho lớp học thêm mỗi tuần và chính họ cũng cảm thấy bất lực", Gu Mingyuan, người đứng đầu Hội Giáo dục (Chinese Society of Education) – tổ chức có liên kết với Bộ Giáo dục, chia sẻ.
Bên trong một lớp học thêm ở Trung Quốc. Ảnh: Financial Review |
Áp lực học tập trong hệ thống giáo dục Trung Quốc đạt đến đỉnh điểm khi học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng theo báo cáo thường niên của China Education 30 Forum, việc học nhồi nhét phổ biến hơn ở trẻ nhỏ.
Hơn 60% học sinh tiểu học ở Trung Quốc được dạy kèm bên ngoài lớp học với các môn chính như Tiếng Anh, Ngữ văn và Toán, theo báo cáo được công bố tại một cuộc gặp hàng năm của các học giả, giáo viên, nhà kinh tế học và đại diện doanh nghiệp vào chủ nhật vừa qua. Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, tỷ lệ này lên tới 70%.
"Các đơn vị dạy kèm bên ngoài thường sử dụng mô hình giảng dạy và giáo dục sớm với cường độ cao để cải thiện kỹ năng làm bài kiểm tra của học sinh. Sau đó, phụ huynh sẽ bị cuốn theo và cố gắng hết mình để đảm bảo con có thể bắt kịp", Tan Xiaoyu, chuyên gia tại Học viện Khoa học Giáo dục Thượng Hải, nói.
Dạy kèm sau giờ học là ngành công nghiệp phát triển nhanh ở Trung Quốc và dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 497 triệu nhân dân tệ vào năm 2016 lên hơn một tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.
Đến năm 2020, chính phủ Trung Quốc ước tính có 191 triệu học sinh được học thêm. Sự đô thị hóa nhanh và tính cạnh tranh vào những đại học hàng đầu thúc đẩy phụ huynh chi tiêu mạnh tay hơn cho việc giáo dục con cái.
Nhận thấy tác động tiêu cực của việc học nhồi nhét, chính phủ đã thử nghiệm một số biện pháp trong những năm qua để giảm khối lượng công việc học tập cho học sinh tiểu học và trung học nhưng không mấy hiệu quả.
"Hệ thống kiểm tra lựa chọn mang tính cạnh tranh vẫn tồn tại. Dạy kèm ngoại khóa tiếp tục phát triển và phí dạy kèm đã trở thành một phần chi phí nặng nề và không thể tránh khỏi với nhiều gia đình", Tan Xiaoyu nói.
Zhang Ziyong, một thanh tra văn phòng ở tỉnh Sơn Đông, nhận định việc tập trung vào học vẹt và học nhồi nhét là lý do khiến trẻ bị đặt dưới nhiều áp lực khi ở trường.
"Từ những năm 1950, Trung Quốc đã bắt đầu cố gắng giảm bớt gánh nặng của việc học. Nhưng cho đến giờ, cố gắng đó không chỉ thất bại mà sự nặng nề của việc học còn tăng cao và trở nên tồi tệ hơn", Zhang nói.
Nhiều phụ huynh được khảo sát cho rằng hệ thống thi tuyển sinh vào các trường cần một cuộc đại tu hoàn chỉnh để giảm áp lực học tập cho học sinh.
Dương Tâm/Vnexpress
Bình luận (0)