Giáo viên cần quan tâm sâu sát học sinh. Ảnh: N.Q |
Khi viết về nhà phát minh thiên tài Edison (1847-1931), học giả Nguyễn Hiến Lê có kể một câu chuyện mà bây giờ đọc lại hẳn chúng ta không khỏi bật cười.
Một bữa, cậu bé Thomas Alva Edison đi học về hỏi mẹ: “Thế nào là trật đường ray?”, bà mẹ giải thích cho con là “không bình thường”, là “hơi khùng”… Thấy lạ, gặng hỏi mãi thì cu cậu mới cho biết là chính ông thầy nói với cậu như thế, thậm chí còn bảo là dạy cậu chỉ vô ích! Bà mẹ nghe xong giận dữ dắt con đến nhà ông thầy “sạc” một trận: “Thầy nói gì với ông thanh tra về thằng Al, nhà tôi đã biết hết. Thầy bảo nó là “trật đường ray”, tôi nói cho thầy hay, có kẻ trật đường ray thì là thầy, chứ không phải nó. Tôi chỉ cầu cho thầy thông minh bằng nửa nó thôi”. Rồi bà lớn tiếng: “Thầy nhớ kỹ, một ngày kia người ta sẽ nhắc đến tên tuổi nó”… (Tạp chí Bách khoa, xuất bản tại Sài Gòn, số 32, ra ngày 1-5-1958). Thế rồi bà cho con ở nhà và tự dạy con học lấy. Việc học của nhà phát minh đại tài Edison là như thế đó…
Kể lại chuyện này tôi muốn nói rằng vì chúng ta không phải là mẹ Edison, còn con em chúng ta không phải là Edison nên phải hợp tác tốt với giáo viên, với nhà trường để việc học tập của trẻ đạt được kết quả tốt nhất. Thực ra, sự hợp tác phải hai chiều, chứ một chiều mong muốn và cố gắng mà chiều kia lơ là, thiếu thiện chí thì không thể đạt kết quả tốt.
Về phía phụ huynh, nên thông báo với giáo viên chủ nhiệm một cách khái quát tình hình của trẻ. Đó là tình hình sức khỏe (ví dụ trẻ có bệnh tim bẩm sinh thì không thể vận động nhiều, tránh bị xúc động…), trẻ có tật gì không (trẻ bị kém thị lực thì phải xếp chỗ ngồi hợp lý…), thể trạng có vấn đề gì không. Ngoài ra còn tình hình tâm lý của trẻ, như trẻ có kiên nhẫn, có hay cáu bẳn, có dễ xúc động, dạn dĩ, năng động hay nhút nhát… Bởi những điều đó đều ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của trẻ. Phụ huynh có thể phản ánh những điều này trực tiếp với giáo viên hoặc thông qua sổ liên lạc, có thể một lần hoặc nhiều lần. Trên thực tế, nhiều cha mẹ chưa quan tâm đến điều này và chính các giáo viên cũng chưa thấy cần thiết được cha mẹ cho biết những thông tin về học sinh của mình. Đó là một thiếu sót.
Về phía giáo viên, thông thường do phải phụ trách nhiều học sinh, ngoài việc đứng lớp còn có nhiều việc khác như chấm bài, lập sổ sách, chuẩn bị các tiết giảng mẫu, phụ trách các đoàn thể, dự các lớp tập huấn… Do đó, sự quan tâm, chú ý tìm hiểu các đặc điểm của từng học sinh, lắng nghe ý kiến phản ánh của phụ huynh về con em họ thường không nhiều. Đó là một điều đáng tiếc. Trong điều kiện hiện nay, việc khắc phục ngay vấn đề này e khá khó, nhưng không phải là “vô kế khả thi”. Do đó, tôi nghĩ rằng phía phụ huynh nên chủ động, nếu thấy con em mình có đặc điểm nào đó cần lưu ý thì nên thông tin ngay cho giáo viên biết. Đặc biệt, giáo viên và phụ huynh nên quan tâm những điều sau đây của học sinh và trao đổi thông tin khi có những biểu hiện bất thường:
Thứ nhất, trên lớp trẻ biểu hiện như thế nào, có thụ động không, có chăm chỉ lắng nghe giảng bài và năng phát biểu không, có nghịch ngợm hay nói chuyện riêng không… Mỗi biểu hiện đều có thể phản ánh một đặc điểm tâm sinh lý, thói quen nào đó của trẻ cần được quan tâm, uốn nắn hoặc phát huy. Thứ hai, trẻ có hòa đồng với bạn, có hay giúp bạn hay thường chơi với những bạn nào, những bạn đó có đặc điểm chung gì, khi chơi chung thì hay chơi những trò gì, cùng tham gia những hoạt động gì… Các đặc điểm này ít nhiều phản ánh tính cách của trẻ, có thể tốt hoặc chưa tốt, cần được chú ý định hướng. Thứ ba, trẻ có thể hiện năng lực nào đặc biệt không, như có phát biểu hùng biện, có khả năng tổ chức hay lãnh đạo, có hay hát hoặc đọc thơ diễn cảm, hay vẽ, cắt dán… Mỗi biểu hiện này có thể tiềm ẩn một năng lực riêng nào đó, dù không nhất thiết là tài năng, nhưng nếu được phát hiện, bồi dưỡng có thể định hướng cho việc chọn nghề nghiệp sau này một cách thuận lợi.
Những điều này đòi hỏi giáo viên phải quan tâm, chú ý sâu sát với trẻ hơn, nhất là với học sinh từ bậc THCS trở xuống. Việc quan sát, quan tâm phải thường xuyên, liên tục mới có thể tìm ra các đặc điểm cơ bản và sát đúng với trẻ. Việc làm này phải được thực hiện bằng tình thương và trách nhiệm chứ không phải định kiến hay lấy lệ. Các thông tin đó nên được định lượng và phản ánh với phụ huynh để cùng định ra phương pháp giáo dục hợp lý. Có thể giáo viên không thực hiện được với tất cả học sinh nhưng mỗi lớp nên chú ý đến khoảng mươi em và thực hiện một cách kiên trì. Ngoài ra, giáo viên có thể ghi chép ở từng lớp, từng năm học để rút ra những điểm chung và những kinh nghiệm phục vụ cho công tác giáo dục của mình.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)