Việc tự xác định nghề nghiệp của học sinh không chỉ phụ thuộc vào chất lượng công tác hướng nghiệp của nhà trường mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục, hướng dẫn chọn nghề ở gia đình, nhất là các bậc cha mẹ. Hướng nghiệp ở nhà trường sẽ đạt kết quả tốt nếu có sự tham gia tích cực của phụ huynh.
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà giáo dục cho thấy: Ảnh hưởng của gia đình có tác dụng khá quyết định tới việc chọn nghề hay xu hướng nghề nghiệp của học sinh. Nghề nghiệp, trình độ học vấn, thái độ của cha mẹ tác động trực tiếp đối với việc chọn nghề của con cái và ngược lại là thái độ của học sinh đối với nghề nghiệp của cha mẹ; sự quan tâm tới các nghề cần thiết cho con trai hay con gái; những biểu hiện tích cực và tiêu cực, trong gia đình và cuối cùng cả trong trường hợp khi cha mẹ yêu nghề của mình…
Hiện nay, đa số các bậc phụ huynh, khi được hỏi đều muốn cho con học hết bậc THPT để thi vào các trường ĐH, CĐ ở các chuyên ngành kinh tế, ngoại thương, y dược, tin học… Điều kiện không thể thiếu là phụ huynh phải nắm rõ đặc điểm tâm lý và sinh lý của con mình. Cha mẹ cần phải biết con mình muốn gì và khả năng thực hiện ra sao để điều chỉnh, hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp cho con, vì những dự định của các em thì nhiều trong khi đó chưa có đủ thông tin, chưa chín chắn trái ngược với thực tế đang diễn ra. Có học sinh chọn nghề theo kiểu “phong trào” cùng với nhóm bạn, chứ không lượng được sức mình. Chính cha mẹ sẽ giữ vai trò tư vấn giúp các em có cái nhìn chính xác về mình và khả năng vươn tới cần có, đồng thời cũng tránh lãng phí cho xã hội trong việc phải đào tạo lại.
Đáng tiếc là trong nhiều gia đình, cha mẹ không định hướng tốt trong quá trình chọn nghề của con cũng như thiếu kiến thức sư phạm, không chú ý đầy đủ đến đặc điểm và khả năng của con mình. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, do nhận thức về nghề nghiệp trong xã hội còn hạn chế, các bậc phụ huynh thường để cho con cái tự chọn nghề nên rất dễ bị hụt hẫng. Bên cạnh đó, không ít gia đình áp đặt con cái thi vào các chuyên ngành mang tính “thời thượng”, trong khi bản thân học sinh không hứng thú gì với nghề ấy. Nhiều học sinh có năng khiếu về thể thao lại bị gia đình buộc phải thi vào ngành luật, môn Anh văn học yếu nhất lớp nhưng lại thi vào ĐH… ngoại ngữ. Và còn nhiều chuyện “tréo ngoe” đã xảy ra khi mà cha mẹ chưa am tường trong việc tư vấn nghề nghiệp cho con mình, để rồi các em phải gánh hậu quả.
Để hình thành xu hướng nghề nghiệp, cha mẹ phải giáo dục đúng đắn cho con, tạo điều kiện để hình thành hứng thú và tình yêu lao động ở các em. Đó là điều không thể thiếu. Vậy thì, ngoài công việc hàng ngày, ngoài tấm gương lao động của mình thì lời khuyên, sự quan tâm góp ý của cha mẹ và người lớn trong gia đình về nghề nghiệp là hết sức cần thiết. Cùng với nhà trường, cha mẹ hướng dẫn con em chọn nghề có tính đến nhu cầu xã hội kết hợp với nguyện vọng, xu hướng của con.
Lê Quang Huy
(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)
Bình luận (0)