Cùng với nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, thời gian qua quận Phú Nhuận đã đầu tư xây dựng nhiều điểm đến hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến địa phương. Với sản phẩm du lịch “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” đi và về trong ngày, du khách không chỉ được khám phá nét đặc trưng về văn hóa, vùng đất con người Phú Nhuận xưa và nay mà còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo.
Nghề làm tranh sơn mài tại Phú Nhuận
“Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” nằm trong chiến lược “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” do Sở Du lịch TP.HCM thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Khám phá những di tích hơn 200 năm
Theo thông tin từ những người dân, khoảng 300 năm trước, Phú Nhuận là vùng đất cằn cỗi, một gò hoang. Phú Nhuận vẫn giữ nguyên đến nay nhưng đã biến thành một quận phát triển trọng tâm của TP và hoàn toàn đô thị hóa. Ngoài tập trung phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thời gian qua quận Phú Nhuận đã đồng hành cùng với ngành du lịch TP đầu tư, xây dựng nhiều điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách. Mới đây, quận đã công bố chương trình du lịch mang tên “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” với nhiều nét nổi bật. Trong chương trình này, quận Phú Nhuận đã giới thiệu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia – đình Phú Nhuận (tọa lạc tại địa chỉ 18 Mai Văn Ngọc). Đây là ngôi đình đã tồn tại được hơn 200 năm, một quãng thời gian dài và đủ để trở nên quan trọng đối với đời sống tâm linh của người dân địa phương.
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách tại buổi ra mắt chương trình “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về”
Chú Thái Văn Tùng (một trong những người quản lý ngôi đình) cho biết, lượng khách thăm đình tăng dần theo từng năm. Đối tượng tham quan rất đa dạng, từ trẻ nhỏ đến người lớn, trong đó rất nhiều lượt người cùng nhau đến mang theo lễ vật lớn nhỏ, không chỉ cúng bái, thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn cùng nhau quây quần xem hát bội.
Ngày lễ lớn nhất của đình Phú Nhuận là lễ Kỳ Yên, được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng giêng hằng năm. Ngày 16 tháng giêng là ngày lễ chính. Người dân đến xem vừa được thưởng thức nghệ thuật truyền thống vừa có thể gặp gỡ nhau cùng trò chuyện. Đối với người dân tại quận Phú Nhuận, đình Phú Nhuận đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ, cứ đến Đại lễ Kỳ Yên người dân trong vùng thường dẫn theo con cháu vào đình cúng bái, xem hát và cầu an cho gia đình.
Du khách đang tìm hiểu về Lăng Võ Tánh” (tại số 19 đường Hồ Văn Huê)
“Với việc ra mắt sản phẩm du lịch “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung trong thời gian tới. Qua đó giúp sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách và nhất là nhu cầu của giới trẻ Phú Nhuận đối với lịch sử của vùng đất này”, ông Ái cho biết. |
Bên cạnh đó, di tích lịch sử quốc gia – Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (tọa lạc tại địa chỉ 87A Trần Kế Xương) cũng được đưa vào chương trình du lịch “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về”. Sự tồn tại vững vàng, hiên ngang của Trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện sự nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đó cũng nói lên sự đấu tranh kiên trì cho sự toàn vẹn của lãnh thổ của Chính phủ, một nguyện vọng chính đáng mà vì đó toàn thể nhân dân Việt Nam đã tiến hành một cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Di tích này cũng là một bằng chứng về sự phá hoại Hiệp định Genève của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.
Thưởng thức ẩm thực trên phố
Ông Đỗ Đăng Ái (Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận) cho biết, trong chương trình “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” du khách còn được đi tham quan theo đường Hồ Văn Huê trải nghiệm làm work-shop tại Iris Nguyễn (địa chỉ 81/46 đường Hồ Văn Huê) và di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP – “Lăng Võ Tánh” (tại số 19 đường Hồ Văn Huê). Tại 2 địa điểm này, du khách sẽ được tự tay tạo ra sản phẩm nước hoa theo sở thích của riêng mình, tìm hiểu về một trong những võ tướng nổi tiếng của triều Nguyễn khi xưa, nghe giai thoại “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” và giao lưu với các nghệ nhân về cách làm tranh sơn mài.
Điểm cuối của chương trình là Phố ẩm thực Phan Xích Long. Trên con phố này, du khách có thể thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trải nghiệm tại Trung tâm Rạch Miễu. Hấp dẫn hơn, du khách còn thưởng thức những món ăn đặc sắc và đa dạng của nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng hoặc tiếp tục trải nghiệm, tham quan tuyến buýt sông trên kênh Nhiêu Lộc để đến các địa điểm khác trên địa bàn TP bằng đường sông.
Trải nghiệm làm nước hoa tại Iris Nguyễn (địa chỉ 81/46 đường Hồ Văn Huê)
Ông Đỗ Đăng Ái cho biết thêm, với vị thế địa lý thuận lợi, tiềm năng tài nguyên du lịch đặc sắc, việc xây dựng và đưa vào khai thác du lịch là một lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển chung của quận và TP. “Tôi kỳ vọng sản phẩm du lịch “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” sẽ là trải nghiệm thú vị, góp phần tăng thêm niềm tự hào về vùng đất và con người Phú Nhuận”, ông Ái chia sẻ.
Để du lịch quận, huyện ngày càng phát triển, ngoài địa phương cũng rất cần sự chung tay hưởng ứng từ các ban ngành đoàn thể, người dân. Riêng quận Phú Nhuận mong muốn được “làm du lịch cộng đồng”, ứng xử văn minh du lịch nhằm xây dựng điểm đến Phú Nhuận “an toàn – thân thiện – đặc sắc”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)