Hội nhậpThế giới 24h

Phụ nữ nước ngoài đến Qatar xem World Cup 2022 phải trùm kín từ vai đến đầu gối

Tạp Chí Giáo Dục

Là quốc gia Hồi giáo với những quy định nghiêm ngặt, nhất là dành cho phụ nữ. Vì thế, nước chủ nhà World Cup 2022 đã đưa ra những quy định mới nhân sự kiện này.
Còn gần 1 tháng nữa World Cup 2022 sẽ khai mạc tại Qatar, đất nước hồi giáo giàu có nhưng cũng có những quy định nghiêm ngặt, nhất là với phụ nữ.
Còn gần 1 tháng nữa World Cup 2022 sẽ khai mạc tại Qatar, đất nước Hồi giáo này đã có những quy định nghiêm ngặt, nhất là với phụ nữ

Trước khi sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh khai mạc, các luật sư của một nhóm phụ nữ bị lục soát tại sân bay Doha cách đây hai năm đã lên tiếng cảnh báo những fan nữ nên cẩn trọng và cân nhắc khi đến Qatar xem bóng đá. Họ cũng đưa ra những gợi ý để đảm bảo các cổ động viên nữ đi xem World Cup vào tháng tới sẽ an toàn. "Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là World Cup diễn ra, các du khách nữ đến Qatar cần được bảo đảm rằng quyền cá nhân của họ sẽ được tôn trọng", nhóm luật sư của 5 phụ nữ Úc từng bị khám xét rất thô bạo cách đây 2 năm nói.

Hiện 5 phụ nữ này vẫn đang theo vụ kiện Qatar Airways và Cơ quan Hàng không Dân dụng Qatar do nhà nước điều hành phải bồi thường những tổn thất mà họ gánh chịu.

Sự việc xảy ra vào tháng 10/2020, khi 5 phụ nữ trên chuyến bay QR908 từ Doha đến Sydney đã bị yêu cầu xuống khỏi máy bay và bị đưa đi khám phụ khoa để truy tìm xem ai là người sinh ra một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi trong thùng rác ở sân bay.

Sau khi đứa trẻ được phát hiện, sân bay Doha lập tức phong tỏa và những phụ nữ trên khoảng 10 chuyến bay đã được đưa vào xe cứu thương, nơi họ bị kiểm tra phụ khoa để xem liệu họ đã sinh con gần đây hay không. Cuối cùng, cả 5 người phụ nữ này được xác định không phải là người sinh và bỏ rơi đứa trẻ. Vào tháng 11/2020, nhà chức trách Qatar cho biết họ đã xác định được cha mẹ của đứa trẻ bị bỏ rơi đã "đào tẩu" đến từ một quốc gia châu Á.

Vụ việc đã gây ra một sự cố ngoại giao lớn và khiến thủ tướng Qatar đưa ra "lời xin lỗi chân thành nhất".

Hai năm sau, một nhóm phụ nữ này (từ 31 đến 73 tuổi) đã đưa các nhà chức trách Qatar ra tòa ở Úc, yêu cầu bồi thường chi phí và thiệt hại cho những chấn thương của sự vụ này. Những người phụ nữ được cho là vẫn bị tổn thương, căng thẳng và tức giận sau sự cố. Họ cáo buộc Qatar Airways và các nhà chức trách đã bỏ mặc, hành hung, cấm vận, bắt sai người và một loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác.

"Nhóm phụ nữ dũng cảm này đã buộc phải ra tòa để gửi thông điệp tới Qatar rằng những gì đã xảy ra với họ là sai và không được phép tái diễn", luật sư Damian Sturzaker nói.

Đối mặt với những thiệt hại về thương mại và uy tín, Qatar đã nhiều lần tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn và an ninh trong tương lai của hành khách khi đến nước này, nhất là phụ nữ. Theo đó, họ quy định sẽ có những khu vực riêng dành cho nữ giới cũng như những người hâm mộ bóng đá thích uống bia, đồng thời chấp nhận người đồng tính đến nước này nhưng cần hành xử lịch sự nơi công cộng.

Tuy nhiên, Qatar khẳng định, phụ nữ nước ngoài đến Qatar xem bóng đá không cần phải đeo mạng che mặt theo đạo Hồi nhưng họ phải ăn mặc "giản dị" ở nơi công cộng, trang phục không được hở hang và phải trùm kín từ vai đến đầu gối. Nam giới không được cởi trần và quần phải qua gối.

Ngoài ra, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, tình một đêm cũng là bất hợp pháp ở Qatar. Không những thế, các nhà tổ chức World Cup cũng đã cảnh báo rằng "những màn thể hiện tình cảm nơi công cộng" có thể bị coi là xúc phạm cho dù là đó là một cặp vợ chồng hay là tình nhân.

Thảo Nguyễn/PNO (theo AFP)

 

Bình luận (0)