Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phụ nữ sau khi sinh: Bài 1: Để lấy lại cơ thể gọn gàng

Tạp Chí Giáo Dục

Béo phì sau khi sinh là nỗi lo của nhiều phụ nữ. Ảnh: T.Lê

Khi mang thai, cơ thể có sự thay đổi nội tiết, làm cho sự trao đổi lipid mất cân bằng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì sau khi sinh khiến nhiều phụ nữ rất lo lắng.
Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, những phụ nữ sinh con sau tuổi 25 thì nguy cơ béo phì sẽ tăng lên cao hơn.
Nỗi lo chung của nhiều phụ nữ
Chị Thảo Vy (Q.5 – TP.HCM) hỏi: “Tôi sắp sinh con đầu lòng, thai đã ở tháng thứ 8, thai bình thường và tôi đã tăng 16kg. Nhiều phụ nữ sau khi sinh con trở nên béo phì làm mất hết vẻ đẹp thời con gái. Tôi lo lắng lắm, vậy phải làm thế nào để không bị béo phì sau khi sinh?”. Đây không phải là nỗi lo của riêng chị Thảo Vy mà của rất nhiều thai phụ và sản phụ khác. Chị Mỹ Lam (28 tuổi, giáo viên một trường THCS ở Long An) than thở: “Sau khi sinh cháu trai đầu lòng, tôi bị tích mỡ nhiều ở đùi và bụng, cân nặng cứ ngày một tăng lên. Tôi cao 1m60, nặng 70kg, dù biết rằng cân nặng như vậy là quá mức, nhưng tôi đã áp dụng nhiều phương pháp cũng như nhiều sản phẩm giảm cân khác nhau mà vẫn không hiệu quả. Cân nặng như thế làm cho tôi rất xấu hổ với học trò, đồng nghiệp”. Cùng tâm trạng, một nữ MC khá nổi tiếng tại TP.HCM cho biết: “Thời gian mang thai, nếu rảnh là tôi thường đi ăn cùng bạn bè những món mà mình thích. Còn khi ở nhà thì ăn vặt, ăn suốt ngày. Và cứ thế, càng ngày tôi càng béo lên. Sau khi sinh, cân nặng của tôi vẫn chưa cải thiện được. Tôi cảm thấy mình mất hẳn sự tự tin như trước đây khi đứng trước khán giả nên chưa dám xuất hiện trở lại trên sân khấu, truyền hình”. Có thể nói rằng, hiện nay, nhiều thai phụ được chăm sóc rất tốt, ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng dẫn đến tăng cân quá mức. Điều này gây khó khăn khi sinh nở và khó trở lại trọng lượng cơ thể thời con gái sau khi sinh.
Giải pháp tránh béo phì sau khi sinh
Muốn phòng ngừa béo phì, lấy lại cơ thể gọn gàng sau khi sinh thì các phụ nữ cần chú ý những vấn đề cần thiết. Trước hết, sản phụ phải biết tự cân đối một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mình hàng ngày, bằng cách giảm bớt năng lượng nạp vào cơ thể, đặc biệt là chất béo từ mỡ động vật. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ nên thực hiện sau sinh từ tháng thứ 6 trở đi, vì trước đó, sản phụ cần nhiều năng lượng đủ để có sữa cho bé bú, tránh ăn kiêng quá mức vì khi ăn kiêng, sẽ không đủ sữa cho bé và chất lượng sữa cũng giảm theo. Nên có một thực đơn đủ chất dinh dưỡng như chế độ ăn nhiều rau tươi, hoa quả để có nhiều vitamin và muối khoáng. Cần uống đủ nước trong ngày, ít nhất là 2 lít trong 24 giờ và uống bất kỳ thời điểm nào khi cảm thấy khát. Cho con bú bằng sữa mẹ sẽ tăng tiết sữa, thúc đẩy chuyển hóa chất và tuần hoàn dinh dưỡng cơ thể người mẹ, giảm tích trữ mỡ. Một tuần sau khi sinh, sản phụ có thể thực hiện động tác vận động cơ bụng ở tư thế nằm ngửa và vận động cơ lưng ở tư thế nằm sấp trên giường như giơ hai chân lên, nằm ngửa rồi ngồi dậy sẽ rất có ích để giảm mỡ ở bụng, eo. Với những sản phụ sinh mổ, nên bắt đầu tập luyện từ một tháng sau sinh, nhưng cần nhẹ nhàng bằng các bài thể dục tay không, đi bộ tăng dần, chú trọng tập mà vết mổ thấy không đau hoặc đau ở mức độ vừa phải là được. Ngoài giải pháp bằng chế độ dinh dưỡng thật tốt, duy trì chế độ vận động hợp lý, sản phụ cũng cần tạo cho mình có một cuộc sống vui vẻ, tinh thần thoải mái, tránh tối đa những xung đột, stress trong cuộc sống lẫn công việc, tạo thói quen theo dõi cân nặng mỗi tuần một lần.
BS.CKI TRẦN QUỐC LONG
(BV Đa khoa Bưu điện TP.HCM)

Bình luận (0)