Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phụ nữ thời @: Bài cuối: Lập gia đình trễ, ly hôn sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, nhiều phụ nữ lo sự nghiệp nên hôn nhân được xếp vào hàng thứ yếu (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Vì nhiều lý do, phụ nữ bây giờ thích lập gia đình trễ hơn phụ nữ trước đây 5 – 10 tuổi. Thế nhưng, tuổi ly hôn lại sớm hơn thế hệ trước tới 10 – 15 tuổi. Cá biệt có những phụ nữ chỉ sống với chồng được 1 – 2 năm là ly dị…
Hôn nhân bị xếp vào hàng… thứ yếu
Sau khi tốt nghiệp đại học, Điệp không đi làm mà “săn” một suất học bổng rồi du học ở Singapore. Gia đình rồi đến bạn bè, ai cũng nghĩ sau 4 năm học ở xứ người, Điệp sẽ về nước và lập gia đình. Nào ngờ, vừa lấy được bằng cử nhân, cô lại học tiếp lên cao học. Học xong cao học, Điệp tiếp tục ở lại Singapore làm việc thêm 2 năm để lấy kinh nghiệm. Khi về nước, cô đã bước vào cái tuổi “băm”.
Vì học cao nên Điệp muốn lấy một ông chồng có trình độ tương đương. Thế nhưng, những anh chàng có trình độ tương đương với cô đều đã có nơi có chốn hoặc quá già. Tuy vậy, Điệp vẫn không có ý định “hạ chuẩn” chọn chồng. Bởi: “Vừa rồi họp lớp thời THPT sau 15 năm ra trường, tôi phát hiện mình không phải là người duy nhất chưa lập gia đình. Cả lớp có 15 đứa con gái thì còn tới 8 người vẫn sống độc thân”, Điệp cho biết.
Sinh ra trong một gia đình nghèo nên từ nhỏ, Hiền đã quyết tâm sau này lớn lên phải kiếm thật nhiều tiền. Tốt nghiệp THPT, Hiền vào TP.HCM làm công nhân. Làm được hơn 1 năm, Hiền ôn thi và thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Để có tiền trang trải việc học, Hiền đã làm đủ mọi nghề bán thời gian như chạy bàn, tiếp thị, gia sư… Ra trường với tấm bằng đỏ, lại lanh lẹ, hoạt bát nên Hiền nhanh chóng tìm được cho mình một chỗ làm “ngon lành”. Thay vì bằng lòng với sự nghiệp và lập gia đình thì cô lại dành thời gian rảnh rỗi làm thêm nhiều việc khác để tăng thu nhập.
Mỗi khi nghe hỏi về chuyện chồng con, Hiền đều trả lời: “Khi nào có nhà riêng, dư tiền nuôi con thì tôi mới nghĩ đến chuyện lấy chồng”. Khổ nỗi ở cái thành phố “tấc đất, tấc vàng” như TP.HCM thì không biết đến bao giờ Hiền mới đủ tiền để mua nhà?
Không hạnh phúc là… ra tòa
30 tuổi, Thắm mới chịu lập gia đình. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài được 3 năm (sau khi bé Quỳnh Trang được gần 2 tuổi) là chấm dứt. Không phải Thắm và Cường không yêu nhau, trái lại họ có tới 8 năm để tìm hiểu. Tình yêu này cũng đã trải qua khá nhiều thử thách. Nào là sự xuất hiện của người thứ 3, nào là mẹ của Thắm không chấp nhận, rồi Cường đi du học 2 năm… Khi nhận thiệp mời đám cưới của Thắm – Cường, bạn bè ai cũng nghĩ họ sẽ sống bên nhau đến “đầu bạc răng long”. Nào ngờ…
Giải thích cho cuộc chia tay của mình, Thắm nói: “Mục đích của hôn nhân là hạnh phúc, tôi không hạnh phúc nên… ly hôn”.
Với suy nghĩ đơn giản như vậy, Thắm và rất nhiều phụ nữ thời @ đã không đủ kiên nhẫn để tiếp tục cuộc hôn nhân do chính họ chọn lựa. Vì thế án ly hôn ở các thành phố lớn ngày càng gia tăng…
Thắm cũng cho biết thêm, trước đây phụ nữ không dám ly hôn dù không hạnh phúc bởi họ sợ một mình nuôi con, sợ dư luận dòm ngó. Nhưng phụ nữ thời nay thì khác, họ có đủ tài chính để một mình nuôi con, đủ bản lĩnh để “chống trả” với dư luận xã hội.
Như trường hợp của Trâm Anh. Cô là dân tỉnh, vào TP.HCM học đại học rồi đi làm. Rồi cô lấy Thịnh – người thành phố và có nhà. Sau khi ly hôn, cô cùng đứa con trai 4 tuổi ra ngoài thuê nhà sống, lúc ấy ai cũng ái ngại, không biết mẹ con cô sẽ sống như thế nào. “Rồi đâu cũng vào đấy, không có Thịnh, mẹ con tôi vẫn sống tốt”, Trâm Anh khẳng định. Quả đúng như vậy. Bây giờ bé Tùng (con trai Trâm Anh) đã học lớp 2, còn cô là phó phòng nhân sự của một công ty nước ngoài…
THÙY MINH

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)