Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phụ nữ và những việc “không tên”

Tạp Chí Giáo Dục

Người phụ nữ với công việc nội trợ thời nay (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Thành Lê

Mẹ tôi là người phụ nữ quê, cả đời làm nội trợ. Lúc còn bé, trong mắt tôi công việc của ba mới “đáng nể”: ngoài xã hội, trong nhà, với bạn bè, anh em… chuyện nào cũng to tát, rõ ràng. Những chuyện ba làm trong ngày, tôi có thể kể tên vanh vách. Còn mẹ cũng luôn tay luôn chân mỗi ngày, nhưng công việc quanh đi quẩn lại với bếp núc, quần áo, heo gà…
“Những công việc không tên…”
Mẹ tôi gọi những công việc ấy là “công việc không tên”, tôi cũng nhất trí như thế. Có điều tôi thắc mắc, những công việc “lặt vặt” coi đơn giản vậy sao mẹ làm suốt ngày không hết? Bây giờ lớn lên, có gia đình, tôi mới hiểu việc lo toan nội trợ trong nhà thật ra không đơn giản. Bất kể người phụ nữ nào không công tác ngoài xã hội, lấy việc ở nhà phục vụ chồng con chu đáo làm vui sẽ thấy hai chữ “nội trợ” ngắn gọn ấy lại đòi hỏi nhiều công sức. Chợt nhớ lại rất rõ ràng về mẹ, người nội trợ cách tôi 20 năm, thức giấc từ sớm tinh sương, lọ mọ ra chuồng thả gà, cho gà ăn thóc rồi đi chợ. Đi chợ về giặt một thau quần áo, phơi xong quay sang làm bếp. Cơm canh vừa chín, sực nhớ con gà mái muốn nhảy ổ, mẹ cắp thúng sang nhà hàng xóm xin rơm. Gà lên ổ xong, mẹ quay vào rửa mặt mũi, tay chân anh em tôi sạch sẽ rồi dọn bữa trưa. Ăn cơm rồi, mẹ rửa dọn, sau đó gom quần áo khô vào, gấp lại gọn gàng. Mẹ mồi than gáo dừa đỏ rực cho vào bàn ủi rồi ủi mấy cái áo của ba thật thẳng để ba đi làm “việc làng nước”. Mẹ ủi xong thì đã gần xế chiều. Dọn chuồng gà, nhốt gà vào chuồng, lại đến lúc nấu bữa cơm chiều. Một ngày của mẹ tôi là vậy, công việc ngày hôm sau, hôm sau nữa, hoặc y như thế, hoặc có thể thay đổi chút ít, nhưng không bao giờ thiếu.
Nội trợ thời @
Còn tôi, người phụ nữ nội trợ thời nay, sống trong thành phố, nhà không dư ra được một miếng đất để trồng hoa, nên không phải nuôi gà. Quần áo cũng vô tư, không phải giặt bằng tay vì đã có sự “trợ giúp” đắc lực của cái máy giặt. Tôi nấu bếp ga, không cần mồi than, nhóm lửa, nhà sạch sẽ không một chút mùi khói bếp. Tôi ủi đồ bằng bàn ủi điện. Cái gì cũng đơn giản, tiện lợi hơn cái thời của mẹ tôi rất nhiều. Duy chỉ việc đi chợ là vẫn chung thủy với bản chất của người nội trợ bởi tôi chưa thấy ở đâu có ai bán một con rô-bốt biết đi chợ mua đồ đủ thứ thay mình. Chỉ có điều, tôi có thể đi một cái chợ “cao cấp” hơn mẹ ngày xưa, đó là vào siêu thị. Nhưng dù đi chợ hay siêu thị thì cũng không phải thích lúc nào đi lúc đó, ra khuân tất cả mọi thứ về nhà là xong. Sáng nào tôi cũng thức dậy đi chợ sớm để tranh thủ lựa thực phẩm tươi ngon. Tôi thích tự nấu nướng, pha chế thức ăn, ít khi nào mua thức ăn nấu sẵn trong siêu thị. Nấu nướng cũng phải tính toán, không thừa mứa, tránh bữa ăn tiếp theo phải ăn lại đồ ăn cũ (còn bỏ đi thì lãng phí). Đồ dùng lặt vặt thường xuyên sử dụng trong nhà: khăn mặt, bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh… tôi luôn mua nhiều trong một lần, vừa tiết kiệm lại có thể dùng dần, không sợ mau hư; dầu gió, bông băng, thuốc cảm… cũng phải luôn thủ sẵn. Rau quả, sữa, các loại nước trái cây có thường xuyên trong tủ lạnh, bổ sung năng lượng hàng ngày cho gia đình. Nhu cầu của thời hiện đại nói chung rất đau đầu. Ăn phải đủ chất, ngon miệng, vệ sinh; còn mặc chẳng những lành lặn mà phải đẹp, phải đúng “mốt”… Thời của mẹ, nhiều người chú trọng “ăn no mặc ấm”, cốt sao không thiếu đói, rách rưới là mừng. Bây giờ xã hội đã có thêm cụm từ “ăn ngon mặc đẹp”. Ngon, đẹp nhưng phải tính toán đầy đủ, hợp lý mọi thứ, phải làm chủ được việc chi tiêu của chính mình, sao cho vừa phải, không lãng phí… thì mới là người phụ nữ không vụng về, khéo nội trợ, làm vui lòng chồng con, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Xét cho cùng, thời của mẹ, của tôi, của con gái tôi sau này nữa, công việc nội trợ vẫn mãi là “những công việc không tên”. Không có tên, nhưng kể ra lại dài dằng dặc, chỉ có thể bằng tình yêu thương, sự hy sinh, tận tụy, hết lòng vì chồng con, thì người phụ nữ mới vui lòng gắn bó đời mình ở vị trí khiêm nhường ấy.
Như Mai

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)