Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phụ nữ và vai trò “trụ đỡ” xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Lịch sử hình thành và phát triển xã hội loài người, ai cũng biết vai trò của phụ nữ là một nửa thế giới đặc biệt quan trọng.

Lịch sử cũng minh chứng, có lúc này lúc khác, nhưng bao giờ phụ nữ cũng giữ vai trò trụ đỡ xã hội – chỗ dựa tinh thần không thể thiếu cho sự phát triển. Không có phụ nữ, dường như mọi sự thành bại của xã hội không có ý nghĩa, không có cơ sở lý giải. Từ  xa xưa khi xuất hiện sự phân công lao động, vai trò phụ nữ đã được khẳng định.

Phụ nữ là trụ cột trong gia đình và xã hội. Bằng chứng là thời kỳ mẫu hệ đến nay chưa hẳn đã chấm dứt. Một số dân tộc ít người vẫn duy trì mối liên hệ này như một điều không thể thiếu.

Khi kinh tế – xã hội phát triển, từ vai trò “máy cái” – chủ thể, có thời kỳ phụ nữ chuyển sang vai trò thứ yếu – người nội trợ. Đặc biệt, mấy ngàn năm dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ dường như chỉ có chức năng sinh sản, nội trợ, thậm chí tạp dịch, mua vui.

Khi khoa học rọi sáng, dần dần vai trò của phụ nữ trở về đúng vị trí của nó. Sự phân biệt giới tính đã được rút ngắn dần khoảng cách, nhiều phụ nữ đảm đương vai trò chủ chốt trong xã hội và đặc biệt, trong gia đình họ là người xây tổ ấm. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình nào, xã hội nấy là thế.

Phụ nữ của nhóm thiện nguyện “Từ trái tim đến trái tim” tặng quà cho người già tại quận Gò Vấp (TPHCM) trong đợt hoạt động “Ngày phụ nữ vì cộng đồng”. Ảnh: HỒNG VỊNH

Ở nước ta, từ khi xuất hiện Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò vị trí của phụ nữ đã từng bước được coi trọng. Phụ nữ thực sự là trụ đỡ xã hội, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là cơ sở tồn tại của mọi sự phát triển.

Con cháu Bà Trưng, Bà Triệu đã vượt lên chính mình “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “trung hậu, đảm đang”…

Tuy vậy, nhận thức là một quá trình. Dẫu đã có những bước tiến bộ nhất định, nhưng quan niệm về phụ nữ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều bất cập.

Trước hết, trong xã hội phụ nữ chưa thực sự được trân trọng. Việc trọng nam khinh nữ không chỉ xuất hiện trong xã hội, mà còn ngay trong mỗi gia đình.

Thứ hai, việc bảo vệ thân thể và nhân phẩm phụ nữ chưa đúng tầm mức. Nạn bạo hành gia đình không phải đã chấm dứt, tệ mại dâm, mua bán phụ nữ vẫn diễn ra.

Thứ ba, các chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ hoàn thành “thiên sứ” chưa đầy đủ, nhất quán. Nhiều nước trên thế giới có phụ nữ là tổng thống, thủ tướng. Ở Việt Nam ta, lần đầu tiên có một phụ nữ giữ trọng trách trong “tứ trụ” và cũng lần đầu tiên, Đảng ta có 3 phụ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị trong cùng một khóa. Đó là tín hiệu đáng mừng, trang mới cho thời kỳ trân trọng giá trị đích thực của người phụ nữ Việt Nam.

Đất nước ta có được ngày hôm nay đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Hàng triệu người con ưu tú đã quên mình hy sinh vì nghĩa lớn. Kèm theo đó, có hàng triệu bà mẹ mất con, người vợ mất chồng.

Trước đây kinh tế đất nước còn khó khăn, các bà mẹ, người vợ ấy cùng chia sẻ với Nhà nước, không đòi hỏi chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt gì. Nay công cuộc đổi mới đã có thành quả, Đảng và Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, nhất quán chăm lo, đền ơn đáp nghĩa với các đối tượng chính sách này. Trong đó, việc chăm lo các mẹ Việt Nam anh hùng cần cải tiến theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn; tránh hình thức, ồn ào.

Ai cũng biết, lịch sử hình thành và phát triển của xã hội Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp nông dân nói chung và người phụ nữ nông thôn nói riêng. Do đó, cần có sự đầu tư thỏa đáng cả về tinh thần và vật chất cho nông thôn, nông dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn.

Đó là việc làm thiết thực kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam – tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng và một nửa thế giới – trụ đỡ xã hội nói chung.

TRẦN THẾ TUYỂN/ SGGP

 

Bình luận (0)