Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phú Quốc tỏa sáng từ đường điện cáp ngầm vượt biển

Tạp Chí Giáo Dục

Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trên vùng biển Tây – Nam, cách thành phố Rạch Giá, thủ phủ của tỉnh Kiên Giang 62 hải lý về phía Đông và cách thị xã Hà Tiên 25 hải lý. Hòn đảo này đang được triển khai một dự án trên 2.336 tỷ đồng nhằm đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Thiếu điện trầm kha, khắc phục cầm chừng

Những năm trước đây, mỗi khi ra công tác ở đảo Phú Quốc ai ai cũng ngán ngại vì tình trạng thiếu điện trầm kha, lúc tỏ lúc mờ. Cuối năm 2001, hệ thống điện trên đảo Phú Quốc chỉ gồm 41 km đường dây trung thế, 44 km đường dây hạ thế, với 1 trạm phát điện điêden có công suất khoảng 3 MW gồm 2 máy phát DG72 và 3 máy phát Caterpillar, cấp điện cho 4.252 khách hàng và sản lượng điện thương phẩm cả năm chưa đầy 6 triệu kWh. Sau khi tiếp nhận bàn giao tài sản từ địa phương (vào ngày 25/1/2002), Điện lực Phú Quốc, trực thuộc Điện lực Kiên Giang đã đầu tư đồng bộ vào lưới điện. Từ chỗ chỉ cung cấp cho khu vực thị trấn Dương Đông và An Thới, đến nay điện đã được đưa đến hầu hết các xã và thị trấn trên toàn huyện đảo với 96 km đường dây trung thế, 89 km đường dây hạ thế, 192 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng là 21.070 kVA; 1 phân xưởng điêden với quy mô 24,7 MW hoạt động 24/24 giờ, cấp điện cho 13.000 khách hàng; điện thương phẩm trong hai tháng đầu năm 2012 là trên 8 triệu kWh.

Làng biển ở thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Ảnh: Lan Xuân – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Điện lực Phú Quốc cho biết: “Hiện nay, do máy móc quá cũ kỹ, hư hỏng thường xuyên nên nguồn phát thường không đủ cung cấp. Trong khi đó, tiềm năng phát triển du lịch của đảo Phú Quốc đang thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến đây. Được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, Điện lực Phú Quốc đã chủ động xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện để hoàn thành kế hoạch cấp trên giao và cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ khách hàng”.

Để có điện phục vụ đảo Phú Quốc, ngành điện phải bù lỗ trên 100 tỷ đồng/năm do chênh lệch giữa giá nhiên liệu và giá bán điện theo quy định của Chính phủ. “Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã có kế hoạch bổ sung cho phân xưởng điêden 5 cụm máy GM với tổng công suất là 10.500 kVA, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối tháng 5/2012 này nhưng cũng không đáp ứng năng lượng để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của huyện đảo”, ông Nguyễn Văn Tươi nhấn mạnh.
Cáp ngầm vượt biển

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho đảo Phú Quốc được tỏa sáng ổn định, Công ty điện lực miền Nam (EVVSPC) và tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Italia) đã ký hợp đồng EPC: Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống cáp ngầm xuyên biển, thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa điện lưới quốc gia từ thị xã Hà Tiên ra đảo Phú Quốc dài 56 km, với tổng mức đầu tư trên 2.336 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Song song với dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc còn có công trình đồng bộ như: đường dây 110 kV Kiên Lương – Hà Tiên và trạm 110 kV Hà Tiên; trong đó, đường dây 110 kV 2 mạch dài khoảng 20 km; trạm 110 kV có quy mô 2 MBA 25 MVA (giai đoạn đầu lắp 1 máy).

Dự kiến công trình cáp ngầm xuyên biển này sẽ được nghiệm thu, đưa vào vận hành vào năm 2013, giúp đảm bảo cung cấp điện ổn định, lâu dài cho huyện đảo Phú Quốc, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trong khu vực và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên đảo sẽ khởi sắc, đặc biệt là phát triển tiềm năng du lịch biển đảo.

Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết: Dự án đường cáp ngầm xuyên biển đưa lưới điện quốc gia ra đảo Phú Quốc sẽ góp phần phát triển huyện đảo thành khu hành chính – kinh tế trực thuộc TW và là trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước…

Để phối hợp với dự án đưa điện Quốc gia ra đảo Phú Quốc, UBND huyện đang triển khai các dự án đầu tư chuyển dịch kinh tế, bố trí lại ngành nghề. Một bộ phận cư dân, ngư dân nghề đánh bắt khai thác biển sẽ chuyển sang tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, nghề câu cá, câu mực phục vụ khách du lịch đến hòn đảo này… Do đó việc phát triển cung ứng điện là một trong những khâu rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế của đảo cũng như an ninh quốc phòng tại huyện đảo hiện nay. Đặc biệt dự án cáp ngầm đưa điện xuyên biển ra đảo còn có ý nghĩa quan trọng là bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, trong đó bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khi dự án dẫn cáp ngầm lưới điện ra đảo còn có ý nghĩa tác động đến các nghề truyền thống của cư dân ở đảo này, nhất là sản xuất nước mắm, chế biến hồ tiêu và chế biến hải sản. 471 ha hồ tiêu tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ sẽ có nguồn điện sấy khô. Nước mắm Phú Quốc là thương hiệu có từ lâu đời được người tiêu dùng ưa chuộng vì thơm ngon, ngọt sẽ có nguồn điện sản xuất thay thế cho máy bơm chạy bằng xăng dầu. Nguồn khai thác hải sản có điện để bảo quản đông lạnh hay chế biến chất lượng sẽ cao hơn. Từ đó nâng tầm cao thương hiệu nước mắm và hồ tiêu, hải sản Phú Quốc.

Phạm Đăng Giới
Báo tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)