Nhiều ý kiến lo ngại về cách làm cũng như chưa đủ điều kiện thực hiện chủ trương triển khai xây dựng 24 trường mầm non, tiểu học, THCS chuẩn quốc gia theo mô hình tiên tiến của TP.HCM bắt đầu từ năm học mới này.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đưa ra tiêu chí để các trường xây dựng mô hình tiên tiến: Đảm bảo có trường cùng cấp đang hoạt động song song trên địa bàn. Các điều kiện về cơ sở vật chất như có sân bãi rộng, phòng chức năng để phục vụ cho các môn học năng khiếu. Phòng học phải được trang bị hệ thống âm thanh, máy chiếu và màn hình hiện đại để phục vụ việc học tập.
Đội ngũ giáo viên (GV) phải đạt chuẩn: Trường mầm non phải có 80% GV dạy giỏi cấp trường, trong đó có ít nhất 30% đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp quận, huyện trở lên. Trường tiểu học yêu cầu 100% GV đạt chuẩn và 70% có trình độ đào tạo trên chuẩn, ít nhất 30% GV dạy giỏi cấp huyện trở lên và tiếng Anh 100% đạt trình độ B2. Với cấp THCS 100% GV phải đảm bảo đạt trình độ A2 tiếng Anh, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ B1 và 100% đạt B2.
“Có phần vội vàng”?
Tuy nhiên, thực tế không phải quận nào cũng đáp ứng được các tiêu chí này khi tham gia mô hình.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cho biết: “Trước khi chọn trường để đăng ký tham gia xây dựng mô hình tiên tiến, chúng tôi phải khảo sát và cân nhắc rất kỹ. Các trường này đều có hệ thống phòng học rộng, sân chơi, phòng máy tính, phòng ngủ cho học sinh (HS), phòng học đàn, học vẽ, có sân tập đa năng. Chúng tôi cũng phải cân nhắc rất kỹ về điều kiện sống của phụ huynh trong khu dân cư vì số tiền 1,5 triệu đồng thu thêm không phải là nhỏ. Với những phụ huynh là công nhân thì việc học ở trường này sẽ là một gánh nặng”.
Đại diện phòng giáo dục một số quận cho rằng tiêu chí mà trường học tiên tiến đưa ra chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là chuẩn về đội ngũ GV. Tuy nhiên, do áp lực từ phía UBND quận muốn trong năm học sau phải có những thành tích hơn năm học trước nên phòng cũng buộc phải đăng ký. Nhiều lãnh đạo phòng giáo dục và trường nói thẳng: “Chỉ đạo thì phải làm và đang làm trong tình thế… bắt cóc bỏ đĩa, có phần vội vàng”.
Chỉ là thêm 3 từ!
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết trường chỉ có thêm 3 từ mới là thành “trường tiên tiến” chứ HS hoàn toàn học trong điều kiện cơ sở vật chất, GV như cũ. “Nếu so sánh với những tiêu chí mà mô hình này đặt ra thì khó trường nào đạt được, nhưng khi phải thực hiện lại thu tiền học phí cao. Như vậy có phần bất công với phụ huynh”, vị này nói.
Chúng tôi tìm hiểu đề án của một trường tiểu học giai đoạn 2016 – 2021 theo mô hình này. Theo đó, dự kiến năm học 2017 – 2018 trường mới thỏa mãn tiêu chí có 30% GV đạt danh hiệu dạy giỏi cấp quận. Các phòng chức năng, nhà tập đa năng, bếp ăn xuống cấp, máy móc thiết bị còn thiếu chưa đáp ứng tiêu chí cơ sở vật chất… Hiện nay trường mới chỉ có khoảng 30% GV đạt trình độ tiếng Anh B2 trong khi tiêu chí đặt ra là 100%.
Còn trưởng phòng giáo dục một quận trung tâm cho hay phải chọn trường chuẩn quốc gia vì cơ sở vật chất, thương hiệu đã có sẵn. Có quận chọn trường không có tiếng, tuyển sinh rất khó khăn.
Trong khi đó, do không chắc chắn đáp ứng được những tiêu chí mà chuẩn của trường tiên tiến đưa ra nên một số quận không đăng ký tham gia mô hình này. Lãnh đạo một phòng giáo dục cho biết: “Bình quân sĩ số của lớp thường khoảng 40 HS/lớp, việc giãn sĩ số còn 30 HS/lớp rất khó thực hiện. Chính vì thế chúng tôi không dám tham gia vì lo ngại chỉ được một thời gian đầu, sau đó không theo được thì sẽ rất lộn xộn”.
Thay đổi không phải chỉ ở mô hình
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Chương trình giáo dục phổ thông hiện tại quá nặng về kiến thức mà chưa chú trọng nhiều tới phát triển năng lực cá nhân, đào tạo kỹ năng cho HS. Vì vậy, mô hình trường học tiên tiến sẽ phần nào khắc phục được nhược điểm của chương trình hiện tại. Tuy nhiên, song song với việc cải cách chương trình, HS lại phải đóng mức tiền cao hơn, trong khi những trường thực hiện mô hình này lại là những trường công lập, vô tình tạo ra sự bất công bằng với những học trò nghèo. Dù có khả năng học tốt, mong muốn được học chương trình tiên tiến nhưng vì không có tiền, không đủ điều kiện nên không được học”.
Ông Hồ Sỹ Anh khẳng định: “Điều cốt yếu để thay đổi nền giáo dục không phải là nhân rộng một mô hình này hay mô hình khác mà phải chú trọng thay đổi cả chương trình hướng tới từng cá nhân hóa HS”.
Còn ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), cho biết: “Khi tất cả các trường đều phải thực hiện theo một chuẩn chung, còn nhiều hạn chế thì việc tìm hướng đi mới tiếp cận với chuẩn tiên tiến, hiện đại là việc cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh của TP.HCM hiện nay, việc thực hiện mô hình tiên tiến sẽ có những hệ lụy”.
Trước tiên, sĩ số của trường tiên tiến là 30 HS/lớp vô hình trung sẽ đẩy sĩ số của các trường lân cận tăng, thiệt thòi cho con em bình thường. Sĩ số của mô hình này còn thấp hơn trường chuẩn quốc gia trong khi thực tế TP.HCM nhiều năm qua đã có những trường phải “bỏ” chuẩn để đáp ứng nhu cầu chỗ học cho HS. “Mô hình trường tiên tiến như TP.HCM thực hiện mới chỉ làm phụ huynh hài lòng về sĩ số”, ông Thảo nói.
Thứ hai, khi chọn hầu hết những trường chuẩn quốc gia, trường có uy tín, có nhiều phụ huynh quan tâm để thực hiện mô hình trường tiên tiến thì khó lòng đánh giá được chất lượng thực sự.
Theo ông Thảo, cũng cần đánh giá lại hiệu quả từ 3 trường THPT đã thực hiện mô hình này. Chẳng hạn, chỉ lấy tiêu chí mức độ tự tin, năng động, kỹ năng ngoại ngữ… thì liệu HS trường THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai có thua kém HS trường Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền (3 trường mô hình tiên tiến) không? Ông Thảo cho rằng thực hiện mô hình tiên tiến thì xây trường mới độc lập.
Thu thêm 1,5 triệu đồng/năm từ phía phụ huynh
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hầu hết các trường tham gia đều đã đạt chuẩn quốc gia nên có thể tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để xây dựng mô hình trường học tiên tiến. Lãnh đạo các phòng giáo dục cho biết ngân sách nhà nước đầu tư vào trường này không khác gì với các trường bình thường. Dự kiến để tổ chức những hoạt động kỹ năng, ngoại ngữ những trường này sẽ trích một phần từ nguồn thu 1,5 triệu đồng/năm từ phía phụ huynh. Số còn lại dùng mua sắm thêm trang thiết bị máy móc phục vụ cho lớp học. Tức là nguồn vốn dành cho các trường xây dựng mô hình tiên tiến chủ yếu lấy từ nguồn xã hội hóa. Mỗi trường khoảng 1 – 2 GV được cử đi học ở nước ngoài để tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến.
|
Lam Ngọc – Bích Thanh (TNO)
Bình luận (0)