Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Phụ thuộc vào chính mình

Tạp Chí Giáo Dục

Các thí sinh đang hồi hộp xem điểm thi đại học.Kết quả thi ĐH của các trường đã lần lượt công bố. Với không ít thí sinh, cánh cổng bước vào trường ĐH đã đóng. Nhưng liệu cơ hội với những bạn trẻ này đã hết khi các trường nghề bắt đầu bước vào mùa tuyển sinh?

Học trường nghề: Không khó

Đây chính là lúc các trường nghề được nhắc đến nhiều nhất. Đơn giản vì cơ hội học ở trường nghề không quá khó, phù hợp với khả năng của các bạn thi trượt ĐH. Quang Hưng, 19 tuổi quê ở Thanh Hoá cho biết: “Em đã thi trượt ĐH một năm, năm nay kết quả cũng không tốt nên em quyết định sẽ đi học TC Du lịch, do chỉ xét điểm TN nên cũng dễ có cơ hội đi học”.

Mặt khác, hệ THCN còn là nơi dừng chân lý tưởng cho các bạn học sinh trượt TN THPT, bổ túc THPT. Nếu được nhận vào trường, các bạn sẽ được tổ chức ôn tập và ôn thi TN. Sau đó, trong quá trình học nghề, người học sẽ được học văn hoá với trình độ tương đương.

Bắt đầu từ tháng 8, các trường THCN sẽ tổ chức tuyển sinh. Theo Tổng cục Dạy nghề, năm nay có 1.764.769 chỉ tiêu học nghề, trong đó hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có hơn 1,4 triệu chỉ tiêu. Riêng CĐ nghề có 56.260 chỉ tiêu, tăng 87,332% với năm 2007.

Việc tuyển sinh được thực hiện theo quy chế tuyển sinh THCN 2008, tức là sẽ dựa trên kết quả học tập hoặc kết quả thi ĐH, CĐ năm 2008. Điều này cho thấy, rất dễ dàng cho thí sinh khi đăng ký học và có thể thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký vào một trường nào đó.

Cơ hội học liên thông

Đây chính là chủ trương mới của Bộ GDĐT, tất cả các trường ĐH đều được phép đào tạo liên thông từ hệ THCN lên CĐ và ĐH. Điều này đồng nghĩa những thí sinh thi trượt vẫn còn cơ hội bước chân vào giảng đường ĐH nếu lựa chọn đúng. Và để đạt được điều đó khi chuyển tiếp lên ĐH, CĐ người học phải thi 3 môn: 2 môn cơ bản và 1 môn chuyên ngành. Khổng Toạn – vừa tốt nghiệp TC nghề điện – chia sẻ: “Với chủ trương này mình đã có điều kiện học lên CĐ, điều mà mình không hề nghĩ tới khi thi trượt ĐH 2 năm trước. Việc quan trọng với mình bây giờ là ôn thi tốt để có thể thi liên thông”.

Tuy nhiên có một khó khăn là đối với những người học TC nghề, theo quy định sẽ học cả văn hoá và học nghề. Nhưng “với hệ TC, người học chỉ được học 1.200 tiết học văn hoá. Như vậy, về khối lượng kiến thức là chưa đủ để có thể thi liên thông lên trình độ cao hơn”, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng CĐ nghề XD Nam Định cho hay.

Chủ trương là hoàn toàn đúng và rất thiết thực đối với người học. Nhưng cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn để có thể triển khai một cách triệt để giúp người học có thể tận dụng tối đa cơ hội. Mặt khác, chính bản thân người học cũng cần phải có sự nỗ lực để có thể nắm bắt cơ hội cho chính mình.

Hải yến (laodong.com.vn)

Bình luận (0)