Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Phu vàng” tuổi học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Soi tìm tuổi thơ dưới đáy sàng
Mùa hè, khi hàng triệu triệu trẻ em đồng lứa ở thành phố đang háo hức với chuyến du lịch hoặc sống trong vòng tay yêu thương của gia đình thì tại một bản làng miền núi hẻo lánh, thi hài em Hồ Văn Th. được gia đình đau xót mang về quê hương an táng. Bạn của H., em Hồ Văn M. đang thiêm thiếp trong phòng cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế với đôi chân dập nát, thân thể đầy phế tích.
Như bao lần, H. cùng một số bạn vào hầm khai thác vàng kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới thì không may hầm bị sập. Và cả H. lẫn Th. không kịp thoát ra…
Làm việc cạnh… thần chết
Không biết bao lần, chúng tôi ngược hàng trăm cây số đường rừng tìm đến chốn “thâm sơn cùng cốc” ở vùng rừng miền tây Quảng Trị để phản ánh nạn đào đãi vàng trái phép tàn phá môi trường sống. Cứ mỗi chuyến thực địa, nghe tiếng bộc phá nổ vang xé toạc bầu không khí trong xanh yên ả của núi rừng, từng đụn khói xám đẩy mây trắng dạt về phía chân núi, hàng trăm con người lưng trần lại hối hả khuân chuyển đất đá về điểm tập kết và bắt đầu công đoạn đãi vàng sa khoáng.
Trong “đội quân” hùng hậu ấy, chúng tôi thắt lòng khi tận mắt chứng kiến có rất nhiều em tuổi ăn, tuổi học tầm 10 đến 16, thân hình còm cõi, nước da đen nhẻm màu đồng hun đang gồng hết sức mình khuân những tảng đá nặng hơn trọng lượng cơ thể các em. Cũng như bao nhiêu người khác, hễ dứt tiếng bộc phá nổ đánh hầm là bóng các em thoăn thoắt lao vào những miệng hang sâu hun hút. Các em không hề biết rằng, ngay ở trên đầu, hàng ngàn khối đất đá đang chực chờ lao xuống, cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào. Và không phải ai cũng may mắn được “thần chết” bỏ quên. Nhìn vào ước mơ được cắp sách tới trường của các em hẳn không khỏi xót xa.
Người dân sống ven sông Đakrông đoạn qua xã Tà Rụt vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót trước cái chết tức tưởi của em Nguyễn Văn H. Em H. mất khi vừa chạm vào cái tuổi 16 – tuổi đẹp nhất thời học sinh, tiếng kèn tang tóc thay tiếng trống trường nức nở tiễn em giữa những ngày đầu hè rộn rã tiếng ve.
Bỏ trường học để làm… “phu vàng”

Một ngày lên bãi làm việc
Trưa tháng 6 nắng đổ lửa, chúng tôi đã lội bộ hàng chục cây số men theo triền sông Đakrông. Trước mắt tôi hiện ra bãi vàng sa khoáng bên mép sông Đakrông, đoạn qua xã Tà Rụt nhộn nhịp người đào, đãi. Khi chúng tôi đến, cháu bé ôm tảng đá lớn từ tay người đàn ông ngập sâu dưới hố đào, lảo đảo tập kết nó ở một điểm cách xa chừng chục bước chân. Người đàn ông dưới hố đào cho biết tên anh là Hồ Văn K. ở thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, đã có hai đời vợ. Người vợ đầu bị tai nạn giao thông mất cách đây ba năm. Chị mất để lại cho anh hai đứa con, đứa đầu đang cùng cha đào đãi vàng ở đây, tên là Hồ Văn T. (17 tuổi), đứa thứ hai năm tuổi. Sau khi vợ mất, theo phong tục tập quán, anh lấy em vợ, có thêm một đứa con, nay mới hai tuổi. Cháu T. bỏ học từ năm lớp 2 để cùng bố đi đào, đãi vàng.
Ngay cạnh đó, anh Hồ Văn G. đang hì hục đào một hố sâu, cho biết anh cũng có ba người con, đứa lớn 18 tuổi, đã bỏ học cách đây mấy năm để cùng bố mẹ đào đãi vàng sa khoáng.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, một nhóm trẻ độ 9, 10 tuổi mang đồ chơi chụm đầu lại cười nói vang một góc rừng. Chúng tôi để ý đồ chơi của các em là những chiếc can nhựa hỏng dùng làm xe, gắn một sợi dây cước kéo đi xung quanh gốc cây. Hình như đối với chúng, đây là giây phút tuyệt vời nhất của đời tuổi thơ! Không khí vui vẻ là vậy, thì bất ngờ một đứa trẻ phát hiện bạn mình đang nằm còng queo bên gốc cây. Chúng tôi tới gần mới biết em H.V.M., học sinh lớp 7, Trường THCS xã Tà Rụt (Đakrông) đang bị say nắng. Sau động tác cứu giúp, M. tỉnh lại và cho biết: “Em mồ côi ba, hiện ở với mẹ ở thôn Tà Rụt 2. Mẹ đau ốm luôn nên em một buổi đến lớp, buổi còn lại quần quật giữa bãi vàng”.
Tìm hiểu được biết, thời gian gần đây, tình trạng bỏ học đi đào đãi vàng trái phép diễn ra phổ biến ở các xã miền núi. Cuộc sống khốn khó khiến tuổi thơ các em sớm nhuốm vào nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đối với việc đào, đãi vàng trái phép trong các hầm sâu, các em với hình dáng nhỏ bé rất “lý tưởng” cho việc luồn lách mọi ngóc ngách trong hang. Và chính các em là đối tượng được các đầu nậu vàng chú ý săn đón thuê mướn vào làm công việc trong hang sâu. Và chính vì thế, đã có không biết bao nhiêu tai nạn thương tâm xảy ra nhưng rừng sâu lại… “đồng lõa” với tội lỗi của các đầu nậu đào vàng. Thầy giáo Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS xã Tà Rụt buồn bã: “Năm nay, các em bỏ học đi đào đãi vàng cao hơn nhiều so với những năm trước. Riêng xã A Vao, số em nộp đơn xin nhập học THPT chưa bằng phân nửa số em thi đậu THCS”.
Ông Hồ Văn Thân, Trưởng công an huyện Đakrông cho biết: “Tình trạng học sinh bỏ học đi đào đãi vàng có từ cách đây 10 năm, nhưng rộ lên nhiều nhất vài năm trở lại đây. Ngoài tận khu vàng sa khoáng dọc mép sông Đakrông, các em còn thành lập nhiều tổ, đi sâu vào rừng già, đến các điểm quặng vàng lớn như khe Đang, khe Poóc làm thuê cho các chủ nậu vàng. Các chủ nậu vàng ở đây luôn sử dụng thủ đoạn cho các em hút, chích ma túy để trở thành nô lệ của chúng. Không ít lần, lực lượng công an huyện Đakrông tổ chức truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”, phát hiện ra các em, đưa về địa phương, song chỉ thời gian ngắn sau, các em lại tự tìm vào bãi vàng”.
Học sinh bỏ học đi đào, đãi vàng không chỉ có riêng ở xã Tà Rụt, mà các địa phương lân cận, trong đó nhiều nhất là xã A Vao, A Bung. Kí ức tuổi thơ của các em là hình ảnh lam lũ soi dưới đáy sàng vàng đục ngầu bùn đất; để đổ mồ hôi xuống các bãi vàng để lấy máu và mắt. Thậm chí, mỗi năm các em phải vĩnh viễn “gửi” thân mình ở lại những bãi vàng giữa rừng sâu nước độc lên đến con số hàng chục.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Hồ Văn Thân, Trưởng công an huyện Đakrông cho biết: “Tình trạng học sinh bỏ học đi đào đãi vàng có từ cách đây 10 năm, nhưng rộ lên nhiều nhất vài năm trở lại đây. Các chủ nậu vàng ở đây luôn sử dụng thủ đoạn cho các em hút, chích ma túy để trở thành nô lệ của chúng. Không ít lần, lực lượng công an huyện Đakrông tổ chức truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”, phát hiện ra các em, đưa về địa phương, song chỉ thời gian ngắn sau, các em lại tự tìm vào bãi vàng”.

 

Bình luận (0)