Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phúc bồn tử: trái kỳ diệu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trái phúc bồn tử (raspberry) còn gọi là trái mâm xôi, được ghi nhận trong sách dược thảo ở Anh từ năm 1548, sau đó được trồng phổ biến ở châu Âu và Bắc Mỹ từ thế kỷ 19. Ở nước ta, phúc bồn tử được trồng nhiều ở các địa phương có khí hậu lạnh và đang được bán trong các chợ, siêu thị.

Trái và mứt phúc bồn tử. Ảnh: C.O
Giá trị dinh dưỡng
Phúc bồn tử chứa một chất rất có ích cho sức khoẻ là axít ellagic (một dạng tannin), được xem là chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật (phyto-nutrients) chống ôxy hoá hiệu quả nhất. Nó giúp bảo vệ màng tế bào và các cấu trúc cơ thể bằng cách trung hoà các gốc tự do. Ngoài ra phúc bồn tử còn chứa nhiều hợp chất flavonoid như kaempferol, quercetin, anthocyanin. Phúc bồn tử có hàm lượng cao vitamin C (53,7%), mangan (41%), Mg, Cu, Zn, K, acid folic, omega-3, vitamin K, vitamin E, chất xơ (31%).
Có thể nói phúc bồn tử được xếp hàng thượng phẩm trong biểu đồ đánh giá thực phẩm, nhiều lợi ích hơn dâu tây, việt quất (blueberry), nho đen (black grape), anh đào (cherry)… vì ngoài các vitamin, khoáng tố, nó còn là nguồn chất xơ giúp ổn định đường huyết nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Giá trị dược tính
Chống lão hoá, ung thư, tiểu đường, kháng khuẩn: ellagitannin trong phúc bồn tử được chứng minh có tác dụng chống lão hoá 50% mạnh hơn dâu tây, gấp ba lần trái kiwi, gấp mười lần cà chua. Với tác dụng hiệp lực của vitamin C và anthocyanin, khả năng chống ôxy hoá và ngăn ngừa ung thư của phúc bồn tử được gia tăng gấp đôi, loại trừ được các gốc tự do làm thay đổi cấu trúc ADN của tế bào. Vitamin C và flavonoid còn góp phần kháng viêm và kháng khuẩn mạnh, và tác dụng này không bị giảm đi khi sử dụng phúc bồn tử đã được đông lạnh.
Bảo vệ thị lực: theo các số liệu được công bố trong Archives of Ophthalmology thì 36% người lớn sau 50 tuổi thường bị chứng thoái hoá điểm vàng mà nguyên nhân chính là ăn không đủ lượng trái cây cần thiết mỗi ngày. Nghiên cứu đánh giá trên 110.000 phụ nữ và nam giới cho thấy một nhóm cần phải ăn ba khẩu phần gồm rau củ và trái cây mỗi ngày mới đủ chất bảo vệ thị lực, và một nhóm chỉ cần ăn một muỗng bột phúc bồn tử thì đã đầy đủ các carotenoid, vitamin A, C, E và các khoáng tố vi lượng như Cu, Zn, là những thành phần giúp loại trừ các gốc tự do gây hại cho võng mạc.
Chống rối loạn cương dương, chữa liệt dương: các nhà nghiên cứu ở Mỹ chứng minh rằng phúc bồn tử giúp cải thiện vi tuần hoàn ở dương vật, giúp thần kinh hưng phấn làm dương vật mềm yếu sẽ cương trở lại. Y học cổ truyền cũng sử dụng thảo dược này để làm thuốc bổ can minh mục, ích thận trợ dương, bổ huyết, chữa liệt dương di tinh, xuất tinh sớm, mắt mờ, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thận suy, tiểu tiện nhiều.
Giúp đẹp da, đen tóc: vitamin E, carotenoid và các chất flavonoid trong phúc bồn tử có tác dụng giải dị ứng, tiêu viêm, thải độc, bảo vệ da chống lại các tia cực tím làm giảm các vết thâm nám trên da, giúp da đàn hồi, tăng cường tuần hoàn ở các mao mạch ngoại vi, thúc đẩy sự tái tạo các tế bào collagen mới giúp da sáng đẹp. Các hoạt chất này còn ngăn cản sự rụng tóc, chậm bạc tóc.
Cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tiền mãn kinh: nghiên cứu của một số nhà khoa học Mỹ còn cho thấy chất chống ôxy hoá trong phúc bồn tử có tác dụng phòng ngừa các gốc tự do gây tổn hại đến não, đồng thời tăng lưu lượng máu và ôxy đến não, từ đó nâng cao khả năng phán đoán, tăng trí nhớ, sức sáng tạo. Đối với phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh hoặc rối loạn tiền mãn kinh, nó giúp giảm stress, giảm các cơn bốc hoả và chính những chất sinh học này đóng vai trò hormon thay thế góp phần điều hoà lượng estrogen bị thiếu hụt trong giai đoạn này.
Dùng sao cho tốt?
Khi mua cần chọn trái thịt chắc, đầy đặc và sậm màu, không rửa mà xếp lên một cái dĩa có lót giấy thấm, bao nilông lại và cho vào tủ lạnh có thể giữ được vài ngày. Đừng ngâm lâu trong nước, đừng để ở nhiệt độ phòng và cũng đừng phơi ngoài ánh sáng dễ làm hư hỏng và biến màu trái. Có thể bảo quản cả năm trong ngăn đá bằng cách rửa sạch sau đó lau khô bằng giấy thấm, xếp vào bao nilông và cho vào ngăn đá. Có thể thêm một ít nước cốt chanh vào trái sẽ giúp trái giữ được màu sắc ban đầu. Các hoạt chất anthocyanin và sắc tố vẫn tồn tại trong trái tươi và đông lạnh nhưng sẽ không còn trong quá trình chế biến hoặc đóng hộp. Cách dùng như sau:
Ăn tươi: 100g mỗi ngày, hoặc trộn chung với sữa tươi, yogurt, mật ong cho các bữa ăn sáng, làm bánh mứt, làm kem, trang trí các loại bánh, xốt dầu giấm.
Dạng bột xay mịn từ trái khô, ngày ba lần, mỗi lần một muỗng nhỏ, ngậm trong miệng cho tan rồi uống nước.
Dạng mứt: nhiều nước làm mứt đông từ trái phúc bồn tử, khi ăn phết lên bánh mì với bơ đào nhân, hạnh nhân hoặc bơ đậu phộng thành món sandwich truyền thống mà dân Bắc Mỹ gọi là PB&J (Peanut Butter and Jelly sandwich).
Ngâm rượu, uống mỗi ngày 20 – 30ml, hai lần trong ngày.
Lưu ý: phúc bồn tử chứa chất oxalat, ăn nhiều sẽ có nguy cơ oxalat kết tinh thành sỏi. Những người có sỏi ở thận, bàng quang hoặc túi mật tránh không nên dùng loại trái này. Oxalat còn hạn chế hấp thu canxi, tuy nhiên điều này không đáng kể đối với người có bộ máy tiêu hoá tốt.
DS Lê Kim Phụng
SGTT.VN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)