Y tế - Văn hóaThư giãn

Phục dựng di tích xa rời tư liệu gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Theo GS Phan Huy Lê, việc các phương án tu bổ, tôn tạo di tích không có tư liệu gốc chuẩn xác để dựa vào vẫn thường xảy ra. Mới nhất, dự thảo phương án tu bổ tôn tạo di tích gò Đống Đa Hà Nội cũng rơi vào trường hợp này.
GS Lê Văn Lan chia sẻ tâm trạng trong hội thảo tu bổ tôn tạo Công viên Đống Đa – di tích gò Đống ĐaHà Nội bằng một giọng mừng mừng tủi tủi. Mừng vì công viên và di tích đang đứng trước cơ hội chuyển mình để thu hút người dân đến đông hơn nữa, làm đời sống tinh thần của họ phong phú hơn nữa. Tủi vì những tư liệu được sử dụng làm nền cho nghiên cứu và phát triển các phương án xây dựng bị sai lạc quá nhiều. Những tư liệu đó sai làm ảnh hưởng đến phương án xây dựng đến mức GS Lan thốt lên: “Tôi thực sự bàng hoàng”.
 
Hội gò Đống Đa là điểm đến tâm linh quen thuộc của nhiều người dân – Ảnh: Ngọc Thắng
Chẳng hạn, tài liệu thuyết minh dự án về việc phục dựng công trình Trung Liệt Miếu trên đỉnh gò Đống Đa có đoạn khẳng định miếu “thờ các công thần tiết liệt với nhà Lê”. Nhưng trên thực tế, công trình trên đỉnh gò, theo GS Lan chính là đền Trung Liệt do đại thần thân Pháp Hoàng Cao Khải (triều vua Thành Thái) cho xây với dụng ý biến thành nơi thờ phụng chính ông ta. Công trình Trung Liệt Miếu này, theo GS Lan, đặt ở trên gò Đống Đa “thật là lạc lõng”.
 
 
Không nên thay đổi vị trí tượng vua Quang Trung
Cũng về dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Đa, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử) và GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia) cho rằng không nên di dời tượng vua Quang Trung tới vị trí khác. Cả hai GS cùng cho rằng bức tượng đã có vị trí tôn kính trong lòng của người dân, đồng thời cũng đã được lựa chọn vị trí khá kỹ nên không nên thay đổi. Tuy nhiên, có thể sử dụng phương án vật liệu để bức tượng được bền vững hơn.
 
Chính vì vậy, theo ông, cần xem xét đúng ý nghĩa và giá trị đích thực của công trình trước khi tính tới chuyện phục dựng nó như thế nào. “Nếu bức xúc quá về việc xây đền thờ, thì có thể thay công trình phục dựng miếu Trung Liệt bằng công trình xây dựng đền thờ Quang Trung Nguyễn Huệ trên đỉnh gò Đống Đa”, GS Lan nói.
 Cơ chế cho tư liệu gốc
Bản thân việc các dự án tu bổ di tích dành quá ít công sức, tiền bạc cho nghiên cứu và tư liệu cơ bản đã được phản ánh trong nhiều hội thảo về tu bổ di tích. Điều này dẫn đến hệ lụy là dự án dễ trở nên chơi vơi như ví dụ Trung Liệt miếu ở trên. Thậm chí, có những di tích sau khi được dựng lại chẳng có gì chung với bản gốc.
“Đáng lý khâu đầu tư nghiên cứu cơ bản phải được thực hiện khoa học và nghiêm túc hơn. Việc tham vấn chuyên gia sẽ giúp dự án khoa học hơn”, GS Phan Huy Lê nói.
Với trường hợp gò Đống Đa, thực hiện tham vấn chuyên gia vốn không khó vì việc nghiên cứu gò Đống Đa đã được thực hiện khá kỹ lưỡng từ năm 1989, nhân kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa. Chính vì thế, việc kết nối các nhà khoa học và sử dụng tư liệu khá đơn giản cũng như không tốn kém nhiều. Tuy nhiên, đáng tiếc, trong dự án này (mới đang ở lần xin ý kiến khoa học đầu tiên) nó đã không được thực hiện chu đáo.
 
theo TNO

Bình luận (0)