Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều bị sốc và nhụt nhuệ khí vì thấy không có khả năng chặn đứng cơn khủng hoảng tài chính trầm trọng đang ngày một tăng. Vậy có cái gì hoặc giải pháp nào để ngừng sự kinh hoàng này? Những người có trách nhiệm giải quyết khủng hoảng tài chính ở Mỹ và các nước khác đã phần lớn dựa vào việc sử dụng khoản tiền trực thăng, tức là bỏ ra ngay lập tức một khoản USD khổng lồ vào thị trường tài chính với hy vọng sẽ làm sống lại thị trường cho vay và chi tiêu tiền tệ thông thường.
Nhiều thế hệ các nhà kinh tế lớn của thế giới đều đồng tình với cách làm này, vốn được xem là lý thuyết của Milton Friedman, người đã đạt giải Nobel kinh tế. Giám đốc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke vừa chia sẻ quan điểm trên vừa thực hiện chúng trong thực tế. Do vậy, FED đã tích cực cho tất cả các ngân hàng, Cty tài chính gặp khó khăn vay tiền và thúc đẩy thực hiện giải pháp cứu trợ trọn gói 700 tỷ USD của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Châu Âu cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu thực hiện việc cứu trợ không theo một chính sách nhất quán. Tình hình sẽ tồi tệ hơn vì không ai thực hiện một chương trình căn bản để khôi phục lòng tin của DN, TTCK, tài chính…
Một giải pháp kết hợp được đánh giá cao là rót tiền một cách chiến lược vào những nơi có thể nhanh chóng khắc phục tình hình, đem lại hiệu quả tích cực cho dù như vậy sẽ phải bỏ rơi một số Cty, ngân hàng phá sản vì hết khả năng chi trả. Phương thức thực hiện là các khoản đầu tư của Chính phủ sẽ chuyển trực tiếp vào một số ngân hàng được lựa chọn trên diện rộng. Lý thuyết của cách làm này là các ngân hàng đã bị tổn thương tới mức các khoản tiền cho vay không thể giải quyết hết tất cả khó khăn một cách đơn giản. Để lấy lại sức sống và khả năng hoạt động cho các ngân hàng, chính phủ sẽ trở thành đối tác duy nhất có thể tạo ra những điều kiện như vậy. Ngày 8/10/2008, Anh đã thực hiện một bước đi đặc biệt quan trọng theo hướng đó với thông báo mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất nước Anh bằng khoản tiền khổng lồ, lên đến 88 tỷ USD và cho biết có thể bảo đảm các khoản nợ của ngân hàng với số tiền lên đến 437 tỷ USD. Cùng thời gian đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Henry Paulson cho biết Washington có phương án sử dụng phương án giống như trên với khoản tiền được Quốc hội cho phép sử dụng là 700 tỷ USD để giải quyết những tài sản nợ ngân hàng và mua cổ phiếu của các thể chế tài chính lớn.
Nhiều nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế đang tiếp cận và đồng tình với cách làm của Chính phủ Anh trong việc giải cứu hệ thống tài chính quốc gia. FED và nhiều ngân hàng trung ương khác đã mở rộng mức sử dụng ngân sách dự trữ để giải quyết vấn đề rắc rối theo phương pháp trên. Tuy nhiên kết quả đạt được cũng có mức độ nhất định và không giống nhau ở từng quốc gia. Giới phân tích đánh giá các ngân hàng càng lâu hồi phục thì sự thiệt hại càng trầm trọng với nền kinh tế thế giới do vâỵ chính phủ và NHTƯ các nước không chỉ cần hiểu rõ vấn đề đang xảy ra mà cần sắp xếp lại hệ thống tài chính trong thời gian càng ngắn càng tốt để chặn đứng sự đi xuống và tạo niềm tin cho kinh tế thế giới phục hồi.
Hoa Chi (dddn)
Bình luận (0)