Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phương án cho kỳ thi tuyển sinh 10 tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Để có kịch bản chủ động ứng phó với diễn biến của Covid-19 tại TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đang tính toán xây dựng các phương án về tuyển sinh 10 năm 2021. Trong đó, có đề cập đến cả 3 phương án bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả xét tuyển lẫn thi tuyển. Phương án sẽ được trình UBND TP vào cuối tháng 7.


Học sinh lớp 9 tại TP.HCM năm học 2020-2021

Nhiều phụ huynh, cán bộ quản lý nhận định, dù phương án nào cũng phải đặt an toàn cho học sinh lên trên hết, đồng thời đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.

Nên xét tuyển kết hợp thi tuyển

Trước các phương án mà Sở GD-ĐT đưa ra, một phó hiệu trưởng tại một trường THPT ở TP.Thủ Đức nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển là phương án khả thi nhất nhưng cần được nghiên cứu tính toán kỹ.

Phương án xét tuyển toàn TP có thuận lợi là không phải lo là thi như thế nào, thời gian thi, kinh phí, nhất là đảm bảo an toàn cho thí sinh, phụ huynh, thầy cô. Nhưng nếu chỉ xét tuyển thì lại không giải quyết được bài toán các trường chuyên, trường có lớp chuyên tuyển sinh như thế nào.

“Chính vì vậy nên kết hợp cả thi và xét. Trong đó xét tuyển nên áp dụng cho hệ công lập và thi tuyển chỉ áp dụng cho lớp chuyên. Về thi tuyển vào trường chuyên, lớp chuyên hiện nay số lượng thí sinh không nhiều, cần cho phụ huynh xác định lại có đăng ký thi hay không, nếu phụ huynh có nguyện vọng không thi thì tạo điều kiện và hướng dẫn cho rút để chuyển sang xét tuyển. Với kinh nghiệm từ công tác tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, Sở GD-ĐT tổ chức hội đồng thi chuyên sẽ dễ dàng hơn, nếu cần thiết có thể tăng số hội đồng thi và giãn cách thí sinh (12 thí sinh/phòng thì thay vì 24 thí sinh/phòng). Số lượng bài thi ít cũng sẽ thuận lợi trong công tác chấm thi và đảm bảo duy trì chất lượng đào tạo mũi nhọn học sinh chuyên như hàng năm.

Việc xét tuyển sẽ giải quyết được vấn đề thời gian chuẩn bị cho năm học mới, các trường THPT và phụ huynh sẽ được chủ động. Với việc xét tuyển, Sở phải xây dựng tiêu chí chi tiết về đối tượng, kết quả học tập và nơi ở, giải thích rõ ràng và làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh bởi chất lượng các trường THPT hiện nay không đều nên hàng năm phụ huynh đều có nguyện vọng đăng ký cho con vào các trường top trên”, thầy B. nhận định.

Chỉ tiêu hàng năm vào lớp 10 các trường công lập chỉ chiếm khoảng 70%, 30% sẽ không được vào trường công. Với ảnh hưởng của dịch không phải ai cũng có điều kiện cho con theo học trường ngoài công lập. Do đó, thầy phó hiệu trưởng này cho rằng, yếu tố cần tính toán đến khi xét tuyển là tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, giải quyết hài hoà để đảm bảo quyền lợi của học sinh. “Vấn đề phụ huynh ít tranh cãi nhất là xét theo địa bàn, sau đó lấy điểm lớp 9 từ trên xuống. Trong trường hợp tỉ lệ học sinh chênh lệch điểm xét tuyển nên số tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu thì trao đổi các trường nhận thêm. Xét theo phường dựa trên thống kê học sinh hiện nay và chỉ tiêu tuyển. Tuy nhiên, năm nay nên tăng chỉ tiêu vào trường công, thay vì 70% thì có thể tăng lên 75% -80%, tuỳ theo địa bàn phân bố học sinh mà các trường phổ thông có thể tăng chỉ tiêu từ 1-2 lớp. Việc tăng từ 1-2 lớp thì cơ sở vật chất, giáo viên không phải là khó cho các trường”.

Cũng lựa chọn phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.10 cho rằng, chỉ nên tổ chức thi tuyển vào các trường chuyên: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Tất cả các trường THPT còn lại kể cả trường THPT có lớp chuyên nên theo hình thức xét tuyển. Nếu tổ chức thi tuyển theo tỷ lệ chọi giữa các trường thì sẽ tạo ra sự mất công bằng trong các nhóm trường THPT, vì trường nào cũng muốn thi tuyển để chọn được những học sinh phù hợp.

Về cách thức xét tuyển, thầy hiệu trưởng này cho rằng nên áp dụng tính theo kết quả học bạ 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ của lớp 9, coi kết quả 3 môn này như kết quả thi tuyển, sau đó áp dụng công thức tính điểm xét tuyển tương đương. “Áp dụng theo cách này, việc xét tuyển sẽ vẫn dựa vào các nguyện vọng mà học sinh đã đăng ký, không khác gì mấy so với thi tuyển, tạo sự công bằng nhất cho các em. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận sự “lệch” ở một mức độ nào đó trong học bạ. Đây có thể là điều mà nhiều nhà quản lý băn khoăn song trong bối cảnh này chúng ta phải chấp nhận vì sự an toàn cho học sinh”.

Giữa tháng 8 thi tuyển vẫn kịp

Trong khi đó, giữa 3 phương án mà Sở GD-ĐT TP đặt ra, nhiều cán bộ quản lý lại thiên về phương án… thi tuyển. Đa phần cho rằng, chỉ có thi tuyển mới có thể đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

“Thử làm một phép tính, con số thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 năm nay là 83.324 thí sinh. Chỉ tiêu xét tuyển vào 114 trường THPT công lập toàn TP là 67.989 thí sinh. Như vậy, sẽ có 15.335 em rớt lớp 10 THPT công lập. Việc xét tuyển sẽ rất khó để đảm bảo công bằng cho các em, em nào sẽ rớt, em nào sẽ đậu. Do đó, nếu dịch bệnh đến giữa tháng 8 mà khống chế được thì lúc đó tổ chức thi tuyển vẫn chưa muộn”, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 nói.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức thi tuyển được, vị này nhận định, phương án thi tuyển kết hợp xét tuyển sẽ là khả thi. “Thi tuyển thì áp dụng đối với các trường chuyên, xét tuyển với các trường còn lại. Trong hình thức xét tuyển, nên được kết hợp cả kết quả học tập năm lớp 9 ở 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, vừa phải xét thêm học bạ 4 năm THCS. Công thức có thế là kết quả các năm 6, 7, 8 hệ số 1, riêng lớp 9 tính hệ số 2. Xét theo nguyện vọng mà học sinh đã đăng ký trước đó. Trong trường hợp dịch bùng không thể tổ chức thi chuyên được thì các trường chuyên cũng có thể tổ chức xét tuyển, dựa trên kết quả học bạ và kèm theo một số tiêu chí như HS giỏi…”.

Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh nêu ví dụ, theo thống kê, năm nay toàn trường có tới 40% số học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Gia Định. Việc xét tuyển nếu không có các tiêu chí sát, phù hợp có thể làm vuột mất cơ hội của HS. “Trong tất cả các phương án thì phương án thi tuyển là khả thi nhất. Tuy nhiên, nếu dịch không thể tổ chức thi thì xét tuyển là phương án buộc phải tính tới. Song, để công bằng cho thí sinh, phương án này phải được tính toán chi li từng tiêu chí, để làm sao đảm bảo được 2 tiêu chí, vừa an toàn cho thí sinh, vừa đảm bảo công bằng cho các em, được tối đa sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Bởi kết quả này sẽ là bước khởi đầu quyết định tương lai của các em sau này…”.

Tuỳ tình hình dịch mà linh hoạt các phương án

Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc Sở GD-ĐT TP.HCM chuẩn bị 3 phương án cho tuyển sinh 10: phương án 1 là thi; phương án 2 thi tuyển cho học sinh thi vào trường chuyên, lớp chuyên và xét tuyển cho học sinh các trường lớp còn lại; phương án 3 xét tuyển cho tất cả học sinh có đăng ký dự thi vào lớp 10 là điều hết sức cần thiết.

Trong đó, phương án 1 là phương án ưu tiên nhất (vì có nhiều ưu điểm: phù hợp với tình hình của TP.HCM khi số thí sinh đăng ký thi vượt trội so với số chỉ tiêu dự tuyển (83.324/67.989), đảm bảo tính công bằng cao (thi nghiêm túc, cùng một thước đo: chung đề), thỏa nguyện vọng đã đăng ký của người học…). Phương án 2, 3 chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do tình hình dịch bệnh phức tạp còn tiếp diễn khó lường. Ngay cả khi không thể thực hiện theo phương án 1 thì tuỳ vào tình hình dịch bệnh lại cần tính toán áp dụng phương án 2 hay phương án 3 cho phù hợp.

“Việc xét tuyển cần nêu rõ các tiêu chí để đảm bảo tương đối công bằng: Dựa vào kết quả tốt nghiệp THCS, điểm trung bình 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ kết hợp cùng một số tiêu chí khác. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập của học sinh cũng có nhiều bất cập bởi thực tế việc đánh giá ở mỗi trường mức độ nặng nhẹ sẽ khác nhau, điểm số không đồng đều, gây thiệt thòi cho học sinh. Nếu bắt buộc phải xét tuyển thì ngành GD-ĐT cần tính toán thật kỹ không chỉ đảm bảo tính công bằng cho học sinh mà còn đảm bảo khách quan ở các trường THPT. Đặc biệt là một khi đã tổ chức thi tuyển thì thi hết, còn xét tuyển là xét tuyển hết chứ không nên kết hợp trường này thi tuyển, trường kia xét tuyển (trừ trường chuyên)”, thầy Nguyễn Văn Ngai chỉ rõ.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)