Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Phương án nào cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi chờ Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thích hợp cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 do dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài, Báo Thanh Niên ghi nhận các ý kiến từ phía giáo viên, học sinh về vấn đề này.
Do hầu như chỉ học từ xa chương trình học kỳ 2 nên nhiều học sinh lớp 12 lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia 2020	 /// Đậu Tiến Đạt
Do hầu như chỉ học từ xa chương trình học kỳ 2 nên nhiều học sinh lớp 12 lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia 2020. Đậu Tiến Đạt
Xét tốt nghiệp hoặc giảm độ khó của đề nếu tổ chức thi
Lê Hải Anh, học sinh (HS) lớp 12A1, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Học trực tuyến bọn em chỉ nắm được khoảng 40 – 50% kiến thức so với việc học trực tiếp ở trường vì khó tương tác với giáo viên (GV), đặc biệt với những bài nâng cao, HS khó để tiếp thu”.
Nói về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nam sinh cho biết khá tự tin với môn văn, toán, riêng 3 môn hóa, lý, sinh… chưa chuẩn bị kỹ để bước vào kỳ thi. Với kỳ thi năm nay, Hải Anh chỉ ước tính mình làm được khoảng 60 – 70% và không mấy tự tin nếu tiếp tục học trực tuyến như hiện tại.
“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, HS phải học trực tuyến như thế này, theo em Bộ nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ, còn vào đại học, HS có thể tham gia các kỳ xét tuyển riêng của các trường”, Hải Anh chia sẻ và cho rằng việc xét tuyển thế này sẽ giảm bớt áp lực cho HS trong thời điểm hiện tại.
Tương tự, Lại Minh Anh, HS lớp 12 Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cũng cho biết những bạn nào có học bạ tốt thì mong muốn được xét tuyển, còn những bạn học tập trung ở những môn chính thi THPT và xét tuyển đại học lại dốc sức học với hy vọng giữ nguyên kỳ thi như mọi năm.
Cũng là HS lớp 12 tại Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức), Nguyễn Trung Anh cho biết bản thân không mấy tự tin với kỳ thi sắp tới. Theo nam sinh này, Bộ GD-ĐT nên giảm độ khó của đề thi năm nay hoặc có thể tổ chức xét tốt nghiệp để giảm bớt áp lực cho HS. “Nếu xét tốt nghiệp, bọn em có thể tập trung thời gian vào học những môn chính để nộp hồ sơ xét tuyển đại học”, Trung Anh nói.
Có con học lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Vân không khỏi lo lắng trước tình hình hiện tại. “Trong trường hợp nếu bắt buộc phải tổ chức kỳ thi như kế hoạch, tôi cho rằng đề thi chỉ nên ra ở những kiến thức cơ bản, khoanh vùng kiến thức trong chương trình lớp 12 vì các em không có nhiều thời gian học, ôn luyện như những năm trước”, chị Vân chia sẻ.
Nên xây dựng nhiều phương án
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM, cho rằng với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay vẫn phải kéo dài thời gian tạm nghỉ học cho đến bây giờ. Trong khi đó, việc học trực tuyến, học trên truyền hình mới chỉ là hình thức tình thế, không đồng bộ giữa các địa phương, các khu vực và như vậy không tạo ra sự công bằng. Do vậy, Bộ nên xây dựng các phương án như: Giao việc xét tốt nghiệp về cho các địa phương hay nếu thi THPT quốc gia thì chỉ thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Còn nếu phải thi đủ 4 môn thì bài thi tự chọn chỉ bao gồm 45 câu chia đều cho 3 môn thành phần. Hoặc xây dựng quy định để thực hiện thi online. Và cuối cùng, trong tình thế quá phức tạp thì thực hiện đặc cách tốt nghiệp.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, HS phải học trực tuyến như thế này, theo em Bộ nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ, còn vào đại học, học sinh có thể tham gia các kỳ xét tuyển riêng của các trường
Lê Hải Anh 
Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Theo ông Phú, việc xét tuyển ĐH cũng không có gì khó khăn, HS đã hoàn tất 5 học kỳ, đủ cơ sở pháp lý để xét tuyển chỉ cần các trường chủ động xây dựng phương án tuyển chọn thích hợp.
Cụ thể hơn, ông Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), đề nghị nên tính đến phương án xét tốt nghiệp. Trong trường hợp, nếu không thể tổ chức kỳ thi do những ảnh hưởng từ dịch bệnh thì xét tốt nghiệp nên cần tính toán sớm. Điều này Bộ cần xây dựng phương án, đề xuất với Chính phủ và trình Quốc hội bởi nếu trong trường họp bất khả kháng, do thiên tai địch họa, Quốc hội cũng có những quyết sách phù hợp và sao cho đảm bảo quyền lợi cũng như thuận lợi nhất cho HS.
“Hãy giao việc xét tốt nghiệp về các địa phương và các trường ĐH thể hiện năng lực tự chủ trong xét tuyển đầu vào. Không phải cứ bắt buộc tháng 9 là mở đầu cho năm học mới mà có thể bắt đầu vào tháng 1 sang năm”, ông Thịnh đề xuất.
Tổ chức nhiều đợt khảo thí trực tuyến trong năm ?
Một GV tại TP.HCM cho rằng theo luật Giáo dục thì kỳ thi THPT quốc gia bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, do không biết thời điểm kết thúc của dịch bệnh nên các địa phương, các trường cứ thực hiện việc dạy và học theo tình hình thực tế sao cho trước ngày 31.12 phải hoàn tất. HS được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Bộ thúc đẩy việc xây dựng ngân hàng đề thi để tổ chức nhiều đợt khảo thí trực tuyến trong năm cấp bằng tốt nghiệp THPT. HS sau khi hoàn thành chương trình THPT xét tuyển vào ĐH và bổ sung bằng tốt nghiệp sau nếu trúng tuyển.
Như vậy, các địa phương chủ động hoàn thành chương trình tùy vào diễn biến dịch của địa phương mình bởi mỗi địa phương diễn biến khác nhau nên không thể chờ nhau rồi mới cùng thi, cùng tốt nghiệp.
Hiện tại các trường ĐH đã tự chủ, có thể thực hiện phương thức tuyển sinh riêng, những trường tốp đầu, có độ cạnh tranh cao thì thực hiện kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển đầu vào.
Với phương án này, năm học mới sẽ bắt đầu vào tháng 1 hằng năm, cũng phù hợp với năm tài chính và các quy định hành chính khác.
Các đề xuất cần lưu ý
Theo ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), đến thời điểm này rõ ràng là đã gần hết quỹ thời gian học kỳ 2 hằng năm nên rất khó khăn. Vì vậy cần có một số đề xuất về kỳ thi THPT quốc gia 2020 như sau:
1. Cần xác định và lên phương án HS sẽ tiếp tục nghỉ đến hết tháng 4 (thậm chí nghỉ đến tháng 5). Như vậy việc giảng dạy chương trình học kỳ 2 cần tập trung hoàn thiện chương trình, cho phép lấy buổi thứ hai và cả ngày thứ bảy, chủ nhật để tập trung giảng dạy. Tinh giản những hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, kỹ năng sống…
2. Muốn công bằng và vẫn đảm bảo tiêu chí 2 trong 1 thì kiến thức trọng tâm trong đề thi THPT quốc gia năm 2020 nên tập trung vào chương trình học kỳ 1 của lớp 12. Kiến thức học kỳ 2 lớp 12, lớp 10 và 11 chỉ sử dụng những phần cơ bản hoặc kiến thức vận dụng liên quan với tỷ lệ rất ít trong đề thi.
3. Việc giảm môn thi đến thời điểm này là điều không nên. Bởi hiện nay mục đích chính kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. HS hiện nay đã ôn tập thi theo bản và theo khối thi. Việc điều chỉnh bỏ môn thi đảm bảo tốt nghiệp trong khi mục tiêu chính để dùng tổ hợp điểm xét tuyển ĐH sẽ gặp khó khăn và không công bằng, chưa thể việc định hướng phân ban và hướng HS học theo năng lực của các em sẽ không đạt được.
Theo Bích Thanh – Nguyễn Loan/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)