Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Phương án thi THPT quốc gia 2020 ra sao: Nên bỏ thi hay bớt môn ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1.4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm nay.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay sẽ có phương án nào cho kỳ thi này? /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay sẽ có phương án nào cho kỳ thi này?. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo thông cáo báo chí về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.2020 diễn ra vào chiều 1.4, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án đối với thi THPT quốc gia phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Giao kỳ thi cho cơ sở là “biến nguy thành cơ”
Tiếp nhận thông tin này, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, người đầu tiên đề xuất việc nên giao kỳ thi THPT về cho các trường, chia sẻ: Thủ tướng nêu yêu cầu như vậy là hoàn toàn phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Bộ GD-ĐT sẽ phải xây dựng phương án nào phù hợp.
Ông Lâm cho rằng Bộ GD-ĐT cần coi đây là “biến nguy thành cơ” và tổ chức một cách thi cử khác với hiện nay. Với kỳ thi THPT quốc gia như lâu nay, Bộ muốn ổn định, các trường ĐH cũng vậy nhưng đó không phải là cách tốt để đánh giá đúng chất lượng. Vì Bộ đang “bao cấp” cả khâu kiểm tra đầu ra của THPT lẫn khâu xét tuyển đầu vào của ĐH nên cả địa phương và cơ sở đào tạo đều ỷ lại và không chịu trách nhiệm rõ ràng.
“Bộ nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường”, ông Lâm nói và cho biết dù tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia rất công phu, tốn kém nhưng tỷ lệ tốt nghiệp vẫn trên 90%.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng nếu áp dụng trong năm nay thì cần xem đây là thời kỳ quá độ và có những giải pháp mang tính quá độ. “Đề thi phải đảm bảo học được đến đâu thì ra đề đến đó, không tính quá trình học từ xa vì chất lượng và điều kiện học rất không đồng đều ở từng trường, từng địa phương, từng cá nhân học sinh (HS). Thiếu một vài đơn vị kiến thức không “chết” ai cả”, ông Lâm nói.
Cũng trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm ấy, theo ông Tùng Lâm, việc giao chủ động tuyển sinh về cho các trường ĐH là xu hướng tất yếu.
Có thể xét tốt nghiệp THPT trong tình huống xấu hơn
Trước đó, thư kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội), gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gây chú ý khi đề xuất bỏ bớt môn thi, chỉ giữ 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ.
Tuy nhiên, đến nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức thi quốc gia dù ít môn cũng khó khả thi.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, một chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, tiếp tục bảo lưu đề xuất Bộ GD-ĐT nên cho HS lớp 12 năm nay tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua. Theo ông Sơn, việc thi nếu cứ phải làm theo luật Giáo dục thì cũng đầy rủi ro và “vô nghĩa” trong lúc dịch bệnh như thế này.
Trung Quốc, Hàn Quốc dời thi đại học thêm 1 tháng 
Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 31.3 lần đầu tiên tuyên bố dời kỳ thi cao khảo (tức thi vào đại học) thêm 1 tháng trên phạm vi toàn quốc, có nghĩa là kỳ thi vào đại học năm nay ở nước này sẽ được tổ chức vào 2 ngày 7 – 8.7 thay vì vào đầu tháng 6 như mọi năm. Đây là quyết định được đưa ra sau khi chính phủ cân nhắc tình hình dịch Covid-19 và tác động của nó đối với việc ôn thi của HS lớp 12, theo Tân Hoa xã. Đặc biệt, Bắc Kinh và tỉnh Hồ Bắc, nơi có tâm dịch Vũ Hán, sẽ được phép chọn ngày thi phù hợp với tình hình của địa phương. Dự kiến năm nay có khoảng 10,71 triệu thí sinh tham gia kỳ thi này ở Trung Quốc.
Ở Hàn Quốc, Bộ Giáo dục nước này thông báo bắt đầu năm học mới vào 9.4, tức trễ hơn 1 tháng so với những năm trước. Vì ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi ĐH tại Hàn Quốc năm 2020 thay vì được tổ chức ngày 19.11 sẽ chuyển sang 3.12. Dự kiến có ít nhất nửa triệu thí sinh tham gia kỳ thi.
Còn tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục vẫn đề nghị tiếp tục đóng cửa trường học, nhưng chưa có đề xuất rõ ràng về việc này do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và nước này đang đứng ở ngưỡng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Báo The Asahi Shimbun dẫn lời Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết chính quyền địa phương lên kế hoạch tiếp tục đóng cửa các trường công lập cho đến ngày 6.5, tức trễ hơn 1 tháng so với thời điểm vào năm học mới.
Phi Yến

Luật Giáo dục hiện hành đã có khiếm khuyết là không quy định trường hợp dịch bệnh kéo dài như thế này nên chỉ có cách là sửa luật và đây là quyền và trách nhiệm của Quốc hội. Việc tổ chức xét tuyển ĐH là việc của các trường ĐH. Các trường ĐH đủ năng lực để xét tuyển dùng học bạ và kiểm tra thêm trên cơ sở dùng công nghệ khi tuyển sinh.

PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội), cho rằng nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh hiện nay sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Do đó, việc lùi kỳ thi đến mùa xuân năm sau cũng không ảnh hưởng đến các trường ĐH. Tuy nhiên, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người học.
Đứng ở góc độ người làm tuyển sinh, ông Tớp cho rằng Bộ nên để các địa phương xét tốt nghiệp. Như vậy, khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh chỉ thi những môn cần xét tuyển sinh. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, tỷ lệ đỗ lên đến trên 90%. Nhưng chỉ có khoảng 450.000 – 600.000 thí sinh tham gia xét tuyển sinh ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia. Như vậy, nếu xét tốt nghiệp, kỳ thi sẽ giảm được một tỷ lệ nhất định thí sinh dự thi, kỳ thi sẽ gọn nhẹ hơn nhiều.
Lấy kết quả học kỳ 1 cho học sinh lên lớp
Ông Lê Đức Vĩnh, Học viện Nông nghiệp, đề xuất: “Bộ cần quyết định kết thúc năm học tại thời điểm này cho tới khi dịch bệnh kết thúc. Dựa vào kết quả của học kỳ 1 để cho HS lên lớp. Cho phép HS lớp 9 tham dự thi tuyển vào lớp 10 khi năm học 2020 – 2021 bắt đầu. Phần chưa học của lớp dưới sẽ được học lại khi vào năm học mới. Riêng lớp 12 dựa vào kết quả học tập của lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 giao cho sở giáo dục cấp bằng hay không cấp bằng tốt nghiệp THPT cho HS. Việc tuyển sinh vào các trường ĐH theo thể thức nào do từng trường tự giải quyết".
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), nêu quan điểm: Việc Bộ cần có những phương án khác nhau ứng với tình huống dịch bệnh diễn biến ngoài mong muốn là điều mà các nhà trường rất mong đợi. Bộ phải đưa ra ít nhất 2 kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia: Thứ nhất, nếu việc nghỉ học vẫn kéo dài hết tháng 5, sang tháng 6 mới đi học trở lại thì hình thức và nội dung thi thế nào là phù hợp? Thứ hai, Bộ cũng phải tính đến cả phương án xấu hơn, xấu nhất là chưa thể đi học được cho đến tận tháng 7, thì việc thi cử sẽ ra sao?
Chính phủ có thể đề nghị riêng năm nay không thi
Về phía những người giám sát thực hiện pháp luật, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng luật Giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn… mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT quyết định.
Cũng theo ông Thắng, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội riêng năm nay có thể không thi; có thể xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả cả quá trình học của HS. Bộ GD-ĐT cũng phải tính đến phương án này. Về cơ bản, nếu làm đồng đều thì tính liên tục đồng nhất trong hệ thống vẫn được đảm bảo. Ông Thắng cũng nhắc lại quan điểm đây là cơ hội để các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh bằng một hình thức tuyển sinh riêng mà không “dựa” vào kỳ thi THPT quốc gia.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)