Rối định hướng nghề nghiệp
Năm 2025 sẽ là năm mà học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thực hiện chương trình GDPT mới và cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT. Học sinh lớp 10 năm nay sẽ là lứa học sinh đầu tiên học và thi theo chương trình mới. Tuy nhiên, khác với những năm trước, các em chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp nhưng chưa biết sẽ thi như thế nào?
Trước đó, Bộ GD&ĐT công bố thông tin, kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm ngoái. Theo đó, học sinh lớp 12 năm nay sẽ vẫn thi tốt nghiệp THPT với 4 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Và đến 2025, kỳ thi sẽ có phương án thi mới. |
Nguyễn Thị Quyên, học sinh lớp 10 một trường THPT tại Hà Nội băn khoăn nhất là năm nay chọn tổ hợp môn thì thi tốt nghiệp THPT trong 2 năm tới có theo hình thức tổ hợp như vậy hay theo cách thức khác. “Trước đây, học sinh đầu cấp đã biết kỳ thi tốt nghiệp ra sao và phương án tuyển sinh của các trường ĐH nhưng hiện nay em “mù” thông tin hoàn toàn nên rất lo lắng”, Quyên nói.
Nguyễn Văn Anh, học sinh Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ dự định sẽ thi khối A00 gồm 3 môn là Toán, Vật lí, Hóa học nên lựa chọn môn học tổ hợp từ đầu lớp 10. Nhưng Văn Anh lo, đến cuối cấp, Bộ GD&ĐT mới quyết định phương thức thi với những điểm mới, học sinh sẽ trở tay không kịp.
Học sinh lớp 10 năm nay mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi năm 2025
Đó cũng là nỗi lo chung của nhiều học sinh lớp 10, lứa đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới năm nay. Chương trình quy định, học sinh vào lớp 10 sẽ học các môn bắt buộc và môn tự chọn. Tuy nhiên, các trường xây dựng tổ hợp dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên. Do đó, có những môn học sinh muốn chọn, nhà trường không dạy hoặc ngược lại nhà trường tổ chức dạy, học sinh lại không cần. Nhiều em thậm chí đã phải đi học thêm môn học không có trong tổ hợp ở ngoài các trung tâm để “phòng thân”.
Cô giáo Lê Thị Tuyết Nga, Trường THPT Phong Châu (Phú Thọ) cho biết:“Học sinh, giáo viên và phụ huynh đều rất sốt ruột vì chương trình mới hiện chưa có hướng thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH ra sao. Thực tế, các em học sinh lo lắng, sốt ruột nên đi học thêm môn học khác ngoài môn bắt buộc và tự chọn ở trường”.
Theo cô Nga, khi đưa một chương trình mới vào dạy học, Bộ GD&ĐT nên có định hướng rõ ràng ngay từ đầu để học sinh yên tâm lựa chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp. Giáo viên cũng có kế hoạch dạy học và định hướng cho học sinh ôn tập để không bị động, gấp gáp khi kỳ thi đến gần. Ví dụ như công bố phương thức, ma trận đề thi… để giáo viên các trường dễ hình dung.
Thầy Đ.Đ.H, dạy môn Hóa học tại Hà Nội cho rằng, vì chưa có phương án thi tốt nghiệp 2025 nên cả học sinh, giáo viên đều gặp khó khăn khi dạy học. Nhất là học sinh ở bậc THPT rất rối khi chọn tổ hợp nhưng lại không biết sẽ thi môn nào. Có nhiều em sốt ruột, ngoài học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ còn phải học thêm các môn khác để phòng phương án có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. “Cách làm như vậy là gây khó khăn, áp lực không đáng có cho học sinh, bởi vì ngoài tích lũy kiến thức, mục tiêu chính của các em bậc THPT vẫn là lựa chọn ngành nghề để thi tuyển. Các em cần được biết sớm phương án để có kế hoạch học tập và phát triển các kỹ năng khác ”, thầy H. nói.
Chưa thể trả lời học sinh
Hiệu trưởng một số trường THPT tại Hà Nội cho hay, nhà trường cũng chưa thể trả lời các em vì chưa có hướng dẫn. Trước mắt, các trường xây dựng các tổ hợp và dạy kiến thức theo chương trình, sách giáo khoa mới, giúp học sinh nắm chắc kiến thức sau đó có phương thức thi mới bổ sung phù hợp.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mới chỉ thông tin, đã có một vài phương án dự kiến. Điều quan trọng nhất là phương án mới thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình GDPT mới theo hướng kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Do đó, Bộ GD&ĐT cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng hơn.
Theo Hà Linh/TPO
Bình luận (0)