Ai cũng biết rằng, nhân cách người thầy ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách học trò, hình ảnh người thầy phản chiếu trực tiếp đến trình độ tri thức, đạo đức, lối sống… của người học. Không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi, đó là chân lý.
Có thể nói trọng trách của người thầy rất lớn lao và cao cả trong việc giáo dục học sinh. Trong ảnh: Giáo viên một trường tiểu học tại TP.HCM đang hướng dẫn học sinh viết chính tả. Ảnh: N.Trinh |
Thời gian gần đây, báo chí phản ánh những câu chuyện về mối quan hệ bất hòa giữa giáo viên với phụ huynh, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh… Không ít những bài viết phân tích sâu sắc những yêu cầu của người thầy giáo chân chính để góp phần hoàn thiện nhân cách người thầy. Tuy nhiên, một khía cạnh ít được đề cập đến chính là phương hướng của việc dạy học của người giáo viên cả ở trường ĐH, CĐ, TCCN cũng như ở các trường phổ thông. Nói đúng hơn là thể hiện quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng trong quá trình dạy học. Một người bạn đồng nghiệp của tôi đang công tác ở một trường ĐH tại TP.HCM chia sẻ: “Có giảng viên đi học ở nước ngoài lấy bằng tiến sĩ, nhưng khi về nước anh ta lại không tuân thủ theo quan điểm giáo dục trong dạy học của nhà trường, đôi khi anh ta quá chú trọng đến điểm mạnh của tính khoa học mà quên đi hay lờ đi phương hướng giáo dục của Đảng ta cũng như phương châm giáo dục đã được quy định. Mỗi lần lấy ví dụ, anh ta luôn lấy những dẫn chứng tại đất nước mà anh ta theo học để minh họa, so sánh, đối chiếu và bình phẩm; thậm chí chê bai, rồi đi đến kết luận một vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Việc làm đó ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý của người học”.
Nhân câu chuyện về một giáo viên đã phản ứng tiêu cực là im lặng trước học sinh trong giờ lên lớp một thời gian khá dài đã cho thấy một sự bế tắc trong phương hướng dạy học. Ở một khía cạnh nhất định nào đó, giáo viên đã không tuân thủ theo đúng phương hướng của việc giảng dạy. Giáo viên có thể đã mất niềm tin vào lãnh đạo, quản lý nhà trường và mất niềm tin ở chính người học. Quan điểm, phương hướng chính trị được cụ thể hóa trong cách giải quyết các mối quan hệ ở nhà trường nơi công tác, thể hiện trong việc chấp hành mệnh lệnh của hiệu trưởng, trong việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, Đảng bộ nhà trường. Song, cũng có giáo viên phổ thông hiện nay cố tình hoặc thờ ơ với phương hướng chính trị trong dạy học. Không ít giáo viên đã biện minh rằng, mình làm tốt công tác chuyên môn, giúp học sinh có kiến thức và hiểu nội dung là đã hiệu quả lắm rồi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học mà ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức, tư cách của người học mà trực tiếp nhất là sự nghiệp giáo dục của bản thân người giáo viên. Chính vì sự thờ ơ trong phương hướng chính trị đã dẫn đến quan điểm sai trái, thực dụng, mất niềm tin trong dạy học và nguy hiểm hơn nữa là dao động về tư tưởng đạo đức của nhà giáo. Nhân cách của người thầy là phương tiện giáo dục học sinh hữu hiệu nhất. Vì thế, nếu giáo viên rất giỏi về chuyên môn, nhưng sống thiếu hòa đồng với mọi người, nói không đi đôi với làm, thì những bài giảng của họ không bao giờ thuyết phục được học sinh. Khi học sinh đã không “tâm phục, khẩu phục” về phẩm chất, về cách hành xử… của thầy giáo, thì việc dạy học khó mà đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nhân cách của người thầy là phương tiện giáo dục học sinh hữu hiệu nhất. Vì thế, nếu giáo viên rất giỏi về chuyên môn, nhưng sống thiếu hòa đồng với mọi người, nói không đi đôi với làm, thì những bài giảng của họ không bao giờ thuyết phục được học sinh. |
Có thể nói nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang tiếp tục đổi mới và không ngừng hoàn thiện về chương trình, nội dung giáo dục. Mục đích hướng tới là đưa kiến thức cơ bản, khoa học, hiện đại nhất đến người học, thực sự mong muốn là khoa học và giáo dục sẽ đi trước sự phát triển. Song, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo chính là người giáo viên, nếu như không có phương hướng chính trị rõ ràng, thiếu kim chỉ nam trong giáo dục nói chung thì rất khó để làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo. Chúng ta kế thừa và phát triển những cái hay của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhưng cũng cần phải lựa chọn, chuyển hóa để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội đất nước mà nhất là nền văn hóa Việt Nam. Chúng ta khuyến khích những nhà giáo độc lập, tự chủ, quyết đoán, sáng tạo nhưng mỗi nhà giáo bao giờ cũng phải lưu tâm là phương hướng chính trị trong giáo dục, là những người làm công tác giáo dục gắn bó chặt chẽ với Đảng, với lý tưởng của Đảng và thấm nhuần tinh thần của Đảng. Điều này không phải là lý thuyết hàn lâm hay xa rời cuộc sống mà gắn rất chặt với thực tiễn giáo dục hằng ngày. Người thầy vừa trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học, vừa khơi dậy niềm hứng thú, khao khát khám phá cái hay, cái chân lý, vừa giáo dục các em lòng yêu thương con người, biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ… Trọng trách của người thầy từ trước tới nay đều lớn lao và rất cao cả, chỉ có những ai thật sự thương yêu và trân trọng học sinh thì mới hoàn thành tốt sự nghiệp của mình.
ThS. Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)