Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp “cá biệt hóa” dành cho trò cá biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Năm lên lớp 8, tôi bắt đầu làm quen với môn hóa học, môn học được các anh chị lớp trên cho biết là “khó nuốt” hơn so với các môn khác. Vốn học tốt các môn toán và sinh học, nên tôi khá hứng thú với những kiến thức mới của thế giới hóa học.

Điều thuận lợi nhất đối với tôi đó là cô giáo dạy môn hóa cũng đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp. Là một học sinh cá tính và khá mạnh dạn, tôi đã không ngại bày tỏ nguyện vọng của mình với cô rằng: “Em muốn học thật giỏi môn hóa, để cho mọi người thấy đó không phải là môn khó”. Cô nhẹ nhàng mà nghiêm khắc bảo: “Vậy thì em phải quyết tâm cố gắng nhé!”. Mặc dù lúc đó mỗi tuần chỉ được học một tiết hóa học, nhưng do gặp cô thường xuyên nên tôi thường trao đổi những gì thắc mắc chưa hiểu với cô. Ngày đó (những năm 90 của thế kỷ 20), ở vùng nông thôn chưa có điều kiện để mua sách tham khảo như bây giờ nên giữa tôi và cô lúc đó có một thỏa thuận giao ước ngầm, cô sẽ giao thêm cho tôi một bài tập về hóa học, nếu tôi hoàn thành tốt thì cô giao tiếp, còn không làm được thì cô sẽ dành một khoảng thời gian vào chiều chủ nhật giúp tôi tìm cách giải. Ngày ấy, chưa có chuyện học thêm, dạy thêm như bây giờ. Thường thì, học sinh thấy có vấn đề gì khó hiểu có thể trao đổi thêm với cô vào các giờ sinh hoạt hoặc đến nhà cô chơi để hỏi thêm với tâm lý rất nhẹ nhàng, thoải mái. Thấy tôi hoàn thành tốt các bài tập đơn giản, cô càng nâng cấp độ khó lên với những bài tìm công thức hóa học khá hóc búa. Cô thường khen tôi có nhiều cách giải sáng tạo và linh hoạt. Được cô khích lệ, tôi khí thế lắm.

Nếu giáo viên tận tình giúp đỡ, hướng dẫn học sinh trong học tập thì các em sẽ có hứng thú hơn với môn học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Một kỷ niệm tôi không bao giờ quên đó là có một bài tập cô ra mà tô

i rất thích thú, tôi háo hức khi tìm được đáp số. Nhanh chóng khoe kết quả cho cô với tâm trạng phấn khởi, nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng khi cô bảo tôi đã sai trong quá trình giải, khiến kết quả không khớp với kết quả của cô. Dù không phải ngoan cố, bướng bỉnh nhưng suy nghĩ mấy ngày liền tôi vẫn khăng khăng là cách giải của mình đúng. Tôi càng tâm phục cô ở chỗ, cô bảo rằng mấy hôm nay cô cũng xem lại cách giải của tôi mà vẫn chưa rõ vì sao cách giải của tôi rất hợp logic nhưng kết quả lại không giống như cô đã làm. Điều đó cũng có nghĩa là có thể cách giải của cô không đúng. Và cô yêu cầu tôi: “Em về xem lại cách giải của cô để phát hiện xem sự khác nhau về kết quả của bài tập như thế là do đâu?”. Sau mấy đêm mày mò suy nghĩ, tôi từ tốn trình bày với cô lý do về sự khác biệt trong hai cách giải khiến cho kết quả khác nhau. Chỉ nói đến đó là cô đã nhận ra lý do khiến kết quả cô không phù hợp. Cô giáo đã khen tôi vừa thông minh vừa có tính chịu khó kiên trì trong học tập, chắc chắn em sẽ thành công. Tôi nói với cô rằng: “Em chỉ muốn được như cô thôi. Những kiến thức mà cô biết được khiến em rất ngưỡng mộ”. Cô nhẹ nhàng đáp lại một câu mà đến giờ tôi vẫn tâm đắc: “Cô không giỏi hơn em, cô chỉ biết trước em về kiến thức đó mà thôi”. Tôi lại hỏi cô: “Sao cô lại dạy cho em bằng cách đó?”. Cô trả lời một cách dịu dàng: “Vì em là một học sinh cá biệt nên tôi phải sử dụng phương pháp “cá biệt hóa” với em chứ!”.

Khi tôi lên học cấp 3 rồi nhưng nếu gặp phải những khó khăn về môn hóa tôi vẫn đến nhờ cô hướng dẫn. Những năm tháng phổ thông tôi đã trưởng thành hơn nhờ cách dạy “đặc biệt” của cô. Tâm sự với các anh chị khóa trước tôi được biết, cô cũng đã dùng cách dạy này đối với những ai có hứng thú với môn hóa học. Cô đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tìm ra nhiều cách giải hay để học sinh yêu thích hơn môn hóa học. Đến bây giờ, dù không trực tiếp giảng dạy môn hóa học như mình hằng mong ước, nhưng công tác trong lĩnh vực giáo dục tôi vẫn ghi nhận phương pháp dạy học “cá biệt” của cô thật sự hiệu quả. Không chỉ giúp cho người học có phương pháp học tập chủ động, tích cực mà còn hình thành được những kỹ năng như giao tiếp, đối nhân xử thế trước những tình huống bất ngờ.

Phạm Phương

Bình luận (0)