Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp dạy học cá thể ở bộ môn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một tiết học theo phương pháp cá thể hóa

“Dạy học lấy học sinh (HS) làm trung tâm” là phương pháp sư phạm tiến bộ của thế giới hiện nay, yêu cầu người dạy phải quan tâm tới HS từ tâm sinh lý đến hoàn cảnh sở trường, sở đoản… Từ nhiều phương diện khác nhau đó người dạy mới có thể chọn lựa được những phương pháp giảng dạy phù hợp, động viên HS hứng thú học tập.
Giúp HS tự học
Dạy học cá thể là dạy cho từng HS học, đưa kiến thức đến từng em một. Dù trong lớp học có nhiều HS nhưng thầy cô phải quan tâm từng em và có biện pháp phù hợp tác động tới từng cá thể trong quá trình dạy học. Để thực hiện tốt phương pháp dạy học cá thể, GV cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện cơ bản sau: Chia nhóm HS trong lớp mỗi nhóm từ 4 đến 6 em để các thành viên trong nhóm đều có cơ hội tham gia xây dựng bài học, em nào cũng có điều kiện thể hiện ý kiến cá nhân trong một tập thể. Thay đổi các phần trong từng bài cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tiết dạy nếu thấy cần thiết. Chuẩn bị tốt các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học như dụng cụ thí nghiệm, hóa chất, phiếu học tập, giáo án điện tử, bảng hệ thống hóa kiến thức chuẩn…
Trong đó, đổi mới hoạt động của người GV là khâu quan trọng nhất vì đó là hoạt động trực tiếp quyết định kết quả học tập của quá trình dạy học. Chúng ta đều biết, phương pháp dạy học trước đây thường máy móc, rập khuôn, đồng loạt cho tất cả các thành viên trong lớp. HS chỉ biết im lặng ngồi nghe thụ động, không dám nêu ý kiến khác biệt, không phát huy được tính tích cực trong học tập. Phương pháp giảng dạy cá thể mang tính dân chủ, hướng tới cá thể thay cho sự áp đặt với số đông. Quan hệ thầy trò là mối quan hệ hợp tác, trao đổi lắng nghe thay cho sự truyền thụ một chiều. GV phải đánh giá được từng HS về sở trường, sở đoản để có biện pháp GD thích hợp. GV phải hướng dẫn HS phương pháp tự học, có tư duy độc lập biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình, chống lối học vẹt, học từ chương, khuyến khích việc sinh hoạt nhóm, hợp tác hoạt động…
Rèn luyện tư duy và kỹ năng
Trước khi hướng dẫn HS nghiên cứu các thí nghiệm trong bài, GV phát phiếu học tập cho các em về chuẩn bị trước theo yêu cầu. Qua sự hướng dẫn của thầy cô, các em có thể tự thao tác và rút ra các kết quả từ thí nghiệm. Khi chia nhóm, GV phải giao từng nhiệm vụ cụ thể, quan sát các hoạt động của nhóm. Sau đó yêu cầu từng nhóm tổng hợp và trình bày trước tập thể lớp các ý kiến. Trong khi thảo luận nhóm, các thành viên phải có ý kiến tham gia cho dù ý kiến đó chưa hay hoặc chưa đúng lắm nhưng bước đầu tạo điều kiện cho các em ham thích học tập bộ môn, đặc biệt giúp HS yếu kém có động lực vươn lên, còn HS khá giỏi năng động sáng tạo hơn. Ngoài ra phải rèn luyện kỹ năng thực hành thí nghiệm. Vì hóa học là môn khoa học thực nghiệm nên thao tác thí nghiệm, kỹ năng quan sát, nhận xét và giải thích hiện tượng rất cần thiết.
Điều đổi mới ở đây là không nhất thiết GV phải hướng dẫn tất cả các em làm thí nghiệm mà có thể chọn một vài HS có kỹ năng thực hành thí nghiệm tốt và có kỹ năng diễn đạt bằng lời nói để rèn luyện cho các em kỹ năng sư phạm, từ đó các em hướng dẫn lại bạn làm được thí nghiệm thực hành. Thông qua đó GV đã khơi dậy tính tích cực học tập của HS. Ngoài ra, GV cần rèn luyện tư duy logic, phân tích tổng hợp nêu vấn đề và giải quyết vấn đề bằng cách nêu các câu hỏi phù hợp với từng đối tượng HS để các em tự trả lời. Trong quá trình thảo luận nếu có ý kiến khác nhau GV nên khuyến khích các em phản biện.
Lớp học tập cá thể hóa cho phép HS tự đánh giá, tự rèn luyện cho tới khi đạt được các kỹ năng cần thiết. Cuối cùng GV là người đưa ra kết luận về kiến thức đạt được của HS.
Tóm lại, dạy học cá thể là một phương pháp giáo dục tiến bộ, tôn trọng tư duy độc lập, khơi gợi sự sáng tạo, ươm mầm cho từng cá nhân phát triển. Tuy nhiên không thể xem nhẹ vai trò người thầy vì không máy móc nào có thể thay thế được vai trò chủ đạo trong việc lĩnh hội kiến thức của HS.
Nhóm GV bộ môn hóa học
(Trường THCS Ngô Mây, Q.Phú Nhuận)

Hóa học là môn khoa học thực nghiệm nên thao tác thí nghiệm, kỹ năng quan sát, nhận xét và giải thích hiện tượng là rất cần thiết.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)