Thầy Yên Hà Sơn Nam hướng dẫn HS trong tiết dạy chuyên đề “Vận dụng phương pháp mới của Đan Mạch vào dạy học môn mỹ thuật” |
Chỉ với các nguyên vật liệu tái chế như chai nhựa, cọng kẽm, bông gòn…, giáo viên mỹ thuật đã giúp học sinh (HS) tạo nên những sản phẩm mô hình, những món đồ chơi thú vị…
Tất cả đều bắt nguồn từ việc vận dụng phương pháp mới của Đan Mạch vào việc dạy học mỹ thuật thuộc Dự án hỗ trợ giáo dục mỹ thuật tiểu học trên địa bàn TP.HCM trong hai năm qua.
“Em yêu giờ học mỹ thuật”
Đó là cảm nhận chung của HS tiểu học khi được tiếp cận với phương pháp dạy mỹ thuật mới. Cảm xúc của các em trong chương trình chuyên đề “Vận dụng phương pháp mới của Đan Mạch vào dạy học môn mỹ thuật” của cụm chuyên môn 3 vừa diễn ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3) đã minh chứng điều đó. Khởi đầu cho tiết học hấp dẫn, thầy Yên Hà Sơn Nam đã hướng dẫn HS một số điều cần biết. Và khi bản nhạc sôi động vừa cất lên cũng là lúc gương mặt HS trong 4 nhóm vui tươi hẳn lên. Em nào cũng hăng hái, vừa cười tươi vừa thoăn thoắt di chuyển thành hình vòng tròn và nhanh nhảu vẽ những nét đầy màu sắc. Như đang được lôi cuốn theo giai điệu, lúc nhạc mạnh, dồn dập thì các em vẽ nét đậm và nhanh, khi nhạc dịu nhẹ thì các bàn tay nhỏ nhắn cũng kịp thời điều chỉnh nét vẽ nhẹ nhàng và chậm hơn.
Ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: “Việc vận dụng phương pháp mới của Đan Mạch vào dạy môn mỹ thuật không dừng lại ở chỗ là lối mòn cũ, mà muốn phát huy sự sáng tạo và tư duy của trẻ. Nếu chúng ta cứ bó hẹp vào khuôn khổ thì sự sáng tạo và năng lực của từng em sẽ không được phát huy. Do đó, điều quan trọng mà dự thảo chương trình chú trọng là làm sao để phát huy được năng lực thực sự của các em”. |
Khi bản nhạc kết thúc, từ bản vẽ đầy màu sắc được vẽ một cách ngẫu nhiên, các em đã hình dung ra nhiều ý tưởng thú vị. Sau khi thảo luận để phân công nhiệm vụ, các em liền nhanh chóng dùng khung chọn mảng tranh yêu thích để tạo sản phẩm của nhóm. Bạn thì vẽ tranh, tô màu; bạn thì làm thiệp…, và các bạn còn lại chia nhau cắt bản giấy vẽ màu để tạo ra những con bướm xinh, chiếc thuyền, máy bay, trái tim, hoa, cá biển… Những họa tiết này tiếp tục được bổ sung để hoàn thành các sản phẩm một cách gọn gàng và trọn vẹn. Với những sản phẩm đã hoàn thành, các em nhóm trưởng đại diện cho nhóm thuyết minh rất lưu loát, rõ ràng. Đó là bức tranh khung cảnh làng quê thanh bình của nhóm 1, trong đó có một ngôi nhà màu hồng và mái ngói đỏ; xung quanh có nhiều cây cối cùng những áng mây xanh, cánh bướm xinh. Khung cảnh của nhóm 2 cũng có ngôi nhà, xung quanh nhà trồng rất nhiều hoa, trên bầu trời có đàn bướm bay, nhiều máy bay và sản phẩm phụ là chiếc bình hoa rất dễ thương. Cũng thú vị không kém, bức tranh của nhóm 3 là mặt biển có làn nước xanh biếc, có tàu thuyền và đàn cá lội tung tăng, có mặt trời tỏa nắng, trên bầu trời cũng có máy bay, con bướm xinh và tấm thiệp có nhiều trái tim rất đẹp. Cảnh biển quê hương của nhóm 4 có chiếc thuyền giương buồm lướt sóng, chiếc thuyền nan giữa khơi, cây dừa ven biển trĩu quả, bầu trời nổi bật với những chòm mây xanh và đàn chim sải cánh giữa núi non trập trùng.
Những khởi sắc bước đầu
Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng (chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM), phương pháp dạy học mỹ thuật theo phương pháp dạy học mỹ thuật mới của Đan Mạch được triển khai theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT từ năm 2014. Trong đó chú trọng đổi mới toàn bộ nội dung về hình thức tổ chức và cách dạy học. Ngay trong những ngày đầu, 72 báo cáo viên của toàn thành phố đã được tập huấn trong 4 ngày. Sau đó lực lượng này tiếp tục triển khai kiến thức cho toàn bộ giáo viên ở tất cả 24 quận/huyện. Căn cứ theo những “hành trang” đã tập huấn, Phòng Giáo dục tiểu học đã triển khai khá nhiều phương pháp dạy học theo tài liệu Dạy học mỹ thuật dành cho giáo viên tiểu học, thuộc Dự án hỗ trợ giáo dục mỹ thuật tiểu học (SAEPS) của Bộ GD-ĐT từ 2014 đến nay.
Theo đó, từ năm học 2014-2015 đến nay, từ thành phố đến các cụm chuyên môn và quận/huyện đã lần lượt thực hiện hàng loạt tiết dạy chuyên đề để chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm dạy học theo phương pháp mới, về cách tổ chức tại trường, tại quận/huyện nhằm đạt được kết quả tốt hơn, gây hứng thú học tập nhiều hơn. Và kết quả thực tế cho thấy, tiết học theo phương pháp dạy học mỹ thuật của Đan Mạch hoàn toàn khác so với tiết dạy học mỹ thuật thông thường, thông qua việc thay đổi lại hệ thống cấu trúc theo chương trình trước đây và nhóm lại thành từng chủ đề. Chẳng hạn như dạy vẽ biểu cảm, vẽ theo nhạc, tạo mô hình 3D… được nhóm lại thành một cụm và được dạy lần lượt tiếp nối nhau. Mặt khác, hoạt động mỹ thuật là một hoạt động mang tính sáng tạo, cần sự nhạy cảm của HS nên các tiết dạy không còn dùng PowerPoint như trước đây, vì PowerPoint chỉ là bài trình chiếu chết. Thay vào đó, giáo viên chỉ dùng mẫu vật thật, nhằm giúp HS quan sát, cảm thụ sự vật, sự việc một cách sinh động và phong phú hơn.
Về việc đánh giá kết quả học tập của HS theo phương pháp dạy học mỹ thuật mới, các giáo viên mỹ thuật cũng thay đổi cách đánh giá HS theo định hướng của Thông tư 30, bằng cách đánh giá, nhận xét bằng lời nói hay bằng chữ viết vào tiết dạy của mình. Bên cạnh đó, phương pháp mới còn cho thấy nhiều hoạt động đánh giá khác như HS đánh giá HS, HS đánh giá chính mình, và giáo viên đánh giá những sản phẩm của nhóm.
Nói về những điểm khởi sắc sau thời gian áp dụng phương pháp dạy học mỹ thuật mới, ông Hoàng khẳng định: “Đã có những thay đổi rất rõ ràng, thể hiện qua rất nhiều sản phẩm tham gia hội thi Nét vẽ xanh với gần 15.000 bức tranh của HS thành phố tham gia và chất lượng cũng ngày càng cao hơn”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)