Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp giảng dạy tích cực môn toán: Dễ hay khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội thảo “Giảng dạy tích cực bộ môn toán bậc THPT” do Sở GD – ĐT TP.HCM vừa tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, hai vấn đề được các đại biểu quan tâm là: Phương pháp dạy học tích cực môn toán là gì? và làm thế nào để có một tiết dạy tích cực tốt?

Mới mà cũ

Giờ toán lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố

Xung quanh câu hỏi: “Thế nào là phương pháp dạy học tích cực?” đặt ra tại hội thảo có nhiều ý kiến trả lời mang tính chất đề dẫn. Cô Trương Thị Hoàng Vân (Trường Hermainm) “mở màn” với ý kiến coi đó là một thuật ngữ rút gọn dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục , dạy học theo hướng phát huy tính tích cực , chủ động, sáng tạo của người học. Đồng quan điểm với cô Hoàng Vân, cô Lương Thị Kim Loan (Trường Thạnh Lộc) cho rằng, để hiểu rõ bản chất vấn đề thì phải làm rõ thế nào là phát huy được tính tích cực của học sinh vì thực tế đang còn nhiều ý kiến chưa nhất trí với nhau giữa các nhà nghiên cứu. Theo thầy Nguyễn Khắc Thành (Trường Trần Phú), phương pháp giảng dạy được gọi tích cực nếu hội tụ được các yếu tố như: thể hiện rõ vai trò của nguồn thông tin, bản chất và mức độ kiến thức cần huy động, vai trò của người học – người dạy, động cơ học tập và kết quả mong đợi của người học. Thầy Nguyễn Ái Quốc (Trường chuyên Lê Hồng Phong) đưa ra 4 đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực gồm: cách tổ chức các hoạt động học tập, rèn luyện phương pháp tự học, học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác, kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của học sinh. Thầy Quốc đã cụ thể hóa diễn biến một tiết học bằng phương pháp dạy học tích cực bởi: pha tìm tòi nghiên cứu, pha hình thành khái niệm, pha thể chế hóa….

Khi đề cập đến đổi mới phương pháp dạy học môn toán, nhiều ý kiến đã đào sâu hơn về “địa hạt” của mình. Thầy Nguyễn Đình Song Minh (Trường Nguyễn Thị Minh Khai) yêu cầu tiết học toán tích cực không chỉ đem đến cho học sinh kiến thức mà còn nhằm rèn luyện phương pháp tư duy logic và khoa học, có khả năng tự giải quyết vấn đề. Kiến thức phải được khắc sâu trong người học để làm tiền đề cho việc tiếp thu các kiến thức tiếp theo vì kiến thức toán học là một chuỗi kiến thức nối tiếp nhau như thầy Ái Quốc nêu ra ý kiến: “Phương pháp dạy học tích cực là làm rõ nghĩa của khái niệm toán học”.

Những “rào cản” ban đầu

Không đi vào những khái niệm trừu tượng, lý thuyết chung chung, cô Kim Loan lại hướng về một tiết dạy giúp đồng nghiệp có con mắt nhìn cụ thể hơn như kiểm tra bài cũ nên chọn câu hỏi đơn giản, tránh câu hỏi lan man, bài tập khó, sử dụng nhiều phép toán. Trong quá trình dạy bài mới, giáo viên nên dành riêng một phần bảng để tóm tắt những kiến thức cơ bản. Nhấn mạnh định nghĩa, công thức, các tính chất quan trọng. Nên chọn các bài tập từ dễ đến khó, thảo luận nhóm tùy theo từng bài và có góp ý sửa sai cho học sinh. Cụ thể và sát sườn hơn, một giáo viên toán Trường tư thục Hữu Hậu đã đưa ra yêu cầu giáo viên nên dẫn dắt học sinh tự tìm ra định nghĩa (có thể chưa đúng hẳn) trước khi giáo viên phát biểu. Bài giảng trình chiếu chỉ phù hợp với các tiết về một khái niệm, định lý, định nghĩa và những bài tập hình học không gian nhưng không nên đối với bài tập giải tích và đại số…

Dù thực hiện phương pháp nào cũng phải giúp xây dựng quan điểm học tập suốt đời bởi hiện nay vẫn còn tồn tại trong phần đánh giá học sinh là chỉ kiểm tra trí nhớ bắt các em phải học thuộc để đối phó. Rõ nhất là trong các bài thi thường lưu tâm đến kiến thức sự kiện hơn là phân tích giải quyết hay nâng cao tính sáng tạo. Thầy Thành cho biết, gần đây một số trường đã bắt đầu cho học sinh đánh giá giáo viên và môn học lúc kết thúc tiết giảng vì đây là phần bắt buộc trong chương trình đào tạo ở một số nước.

Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)